Hoạn quan hay thái giám, là những từ khá quen thuộc, chỉ một chức quan trong cung cấm, chuyên hầu hạ vua chúa và chăm lo các công việc nội cung. Nhưng có thể có đôi điều về xuất thân của họ ít khi được đề cập trong sử sách, báo chí, phim ảnh. Bài viết dưới đây hy vọng đem lại thêm đôi chút thông tin về cộng đồng queer xưa trong chốn cung cấm đã suýt bị lãng quên này

1. Hoạn quan và hoạn

Thực ra “Hoạn quan” = “thái giám”; nhưng nghĩa gốc chữ “hoạn” trong từ này không mang là “thiến” như dân gian ta hay dùng như bây giờ. Gốc của chữ “hoạn” là “hầu hạ” (宦), và “hoạn quan” nghĩa là chức quan chuyên hầu hạ, chăm lo cho chủ nhân của mình. Tức là, nói như ngôn ngữ hiện đại, thì Hoạn quan là một danh từ chỉ nghề nghiệp rất đỗi nghiêm túc, không mang nghĩa miệt thị hay chọc ghẹo vào xuất thân của họ. Suy đoán là về sau này, từ đặc thù nghề nghiệp là phải cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần bộ phận sinh dục nam, thì chữ “hoạn” trong “hoạn quan” được thêm nghĩa mới với ý nghĩa là “thiến”, và được dùng như vậy đến tận bây giờ.

2. Muốn làm thái giám thì phải thiến?

Thực ra là không. Ghi chép lịch sử của tác giả Nguyễn Đắc Xuân, cho thấy một trong những quy định của nhà nước phong kiến, là bất kỳ đứa trẻ nam nào sinh ra khiếm khuyết hoặc dị thường về bộ phận sinh dục, mà thời ấy gọi là bán nam bán nữ, thì gia đình phải thông báo ngay cho quan lại trong vùng, sau đó các quan sẽ thông báo cho triều đình để lưu danh lại, đến tuổi khắc được nuôi dạy theo lễ nghi trong cung, sau được đưa vào cung làm các công việc hầu hạ, chăm sóc vua chúa. Nói cách khác, các intersex thời phong kiến dường như có hẳn một con đường công danh sự nghiệp tiến thẳng tới nội cung, còn vinh quang hay khổ nhục thì phần sau mới biết. Tất nhiên, số lượng trẻ như vậy tự nhiên không nhiều (đến ngày nay thì thống kê cũng cho thấy chỉ có khoảng 1% dân số là người intersex), và cũng khó giám sát nếu như gia đình không thông báo, triều đình cũng chấp nhận các trường hợp tự nguyện hiến con đưa vào cung để làm thái giám, và những đứa trẻ này sẽ phải tịnh thân trước khi vào cung.

3. Vinh quang hay khổ nhục?

Đời người thái giám, chưa biết vui hay khổ, nhưng đẻ ra được một bé trai có đủ điều kiện tự nhiên để làm thái giám thì cả làng vui. Người Huế xưa có câu vui “Vui như làng đẻ được ông Bộ” hay “Ăn mà đẻ ông Bộ cho làng nhờ” – và “ông Bộ” không ai khác chính là các cậu bé giám sinh, được trời phú cho khác biệt ở bộ phận sinh dục. Vui vì dân làng được miễn thuế 3 năm nếu làng có cậu giám sinh, sau này cậu được lên chức tước lớn, có thể miễn thuế cả đời cho cha đẻ, hoặc chức tước vừa vừa thì cũng miễn thuế được cho em hay cháu mình. Cũng tính là đem lại may mắn phú quý cho làng xóm họ hàng, được trọng vọng lắm lắm. Trái với suy nghĩ ngày trước của chúng mình, hóa ra làm thái giám được nhiều người trọng vọng và kính nể, không phải là đối tượng chịu sự gièm pha khinh bỉ của xã hội.

Thái giám cũng có thể giữ chức tước trong triều, tham gia vào chính sự, ví dụ như ba vị tướng nổi tiếng Lý Thường Kiệt, Lê Văn Duyệt và Hoàng Ngũ Phúc. Tuy vậy, đến thời vua Minh Mạng, vua lo ngại việc các thái giám tiếm quyền chính sự, nên đã dựng tấm bia nhắc nhở quan lại từ đó về sau về chủ trương dùng thái giám để “sai khiến truyền lệnh trong chốn nội đình mà thôi, không được dự một chút nào mọi việc triều chính bên ngoài. Ai phạm phải điều nầy đều bị trừng trị nặng không chút khoan tha.”

Triều đình Huế sắp xếp Cung giám ở phía đông bắc Hoàng Thành là nơi các thái giám già về đó sống nốt quãng đời còn lại. Người có con nuôi thì có người thờ cúng sau khi mất, người không có thì được chôn và đưa vào hương khói trong chùa. Hiện chùa Từ Hiếu ở Huế là nơi chôn cất hơn 20 thái giám, cũng là những người có công xây dựng nên ngôi chùa này – mảnh đất yên nghỉ cho chính mình về sau.

Hình ảnh của các thái giám còn lưu lại cho đến ngày nay là một vài tấm ảnh được in trên những tấm bưu thiếp do Collection Dieulefils, Hà Nội ấn hành năm 1908. Phía mặt sau của một tấm bưu thiếp có ảnh của 5 vị thái giám đứng-ngồi bên thềm Đại Nội (Huế) do nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An sưu tầm được, có bút tích của một người Pháp thời đó, mô tả các thái giám triều Nguyễn như sau: “Người ta gọi những thái giám là những người có danh vọng trong thành. Nói đúng hơn, họ là những người tai to mặt lớn. Đó là những người đặc biệt trong dân chúng An Nam. Cũng như các đồng hương của họ, những người thái giám đội khăn đóng chứ không che mặt như kiểu các tín đồ Công giáo ở bên Pháp của ta. Ngược lại, họ để lộ mặt mũi, hình dung rất rõ ràng. – Huế 20.3.1908”.

Nguồn tham khảo:
http://mientrung.vanhien.vn/thai-giam-trieu-nguyen-va-nhung-bi-phan.html http://vi.tudientiengdiaphuong.wikia.com/wiki/Thái_giám,_hoạn_quan. https://readtiger.com/gactholoc.net/c6/t6-4/b47/thai-giam-loai-cong-chuc-dac-biet-trong-cung-nguyen.html http://laodong.com.vn/xa-hoi/chuyen-ve-nghia-trang-thai-giam-duy-nhat-o-viet-nam-bi-lang-quen-141362.bld

Tags:

Leave a Reply