Anh Lê Quang Bình là một trong những người sáng lập ra Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE. Anh đã làm viện trưởng iSEE trong 8 năm, từ 2007 đến 2015. Trong thời gian làm Viện trưởng iSEE, anh Lê Quang Bình là người khởi xướng và quản lý nhiều hoạt động chiến lược bảo vệ quyền bình đẳng cho người LGBT như xây dựng cộng đồng (trong đó có việc thành lập ICS), truyền thông xã hội (như chiến dịch Tôi Đồng Ý), và vận động chính sách (như Hiến pháp và Luật hôn nhân gia đình).

 

“Đối với iSEE, làm việc cùng với cộng đồng LGBT trên diện rộng rất là quan trọng. Để làm đúng, điều đầu tiên iSEE xác định cần làm là hiểu về cộng đồng, hiểu xem họ là ai, họ mong muốn điều gì, họ đang gặp những vấn đề gì, họ muốn có những thay đổi như thế nào. Chính vi vậy mà iSEE phải gặp được cộng đồng và có sự tham gia và ủng hộ của họ. Đây là lý do mà năm 2008 tôi vào TP. Hồ Chí Minh để thuyết phục và mời các bạn là quản lý các website trong cộng đồng như Táo Xanh, Tình Yêu Trai Việt, Vườn tình nhân, Thế giới thứ ba, Bạn gái Việt Nam tham gia cùng iSEE.

Ban đầu mọi người rất e ngại như một bạn thắc mắc “từ trước đến nay có ai quan tâm đến cộng đồng LGBT đâu. Báo chí nhắc đến thì toàn nói xấu chứ đừng nói là bảo vệ quyền”. Sau nhiều “cảnh giác” thì mọi người cũng “thử” tham gia vào nghiên cứu về cộng đồng của iSEE. Tôi nhớ đó là nghiên cứu đầu tiên có hơn 2,000 người đồng tính tham gia, và đó cũng chính là nghiên cứu rất quan trọng để chúng tôi hiểu về cộng đồng và cộng đồng cũng hiểu về chính mình. Ví dụ, kết quả nghiên cứu cho thấy cộng đồng LGBT rất quan tâm tới vấn đề định kiến, kỳ thị, đặc biệt là trên báo chí. Vì vậy, iSEE quyết định xây dựng những dự án để thay đổi hình ảnh người đồng tính trên báo chí, rồi xây dựng cộng đồng, làm triển lãm, thay đổi xã hội, v.v. Đây chính là lý do mà iSEE có được sự tin tưởng và tham gia của cộng đồng vì mọi hoạt động chúng tôi làm đều xuất phát từ cộng đồng và vì cộng đồng.

Trong quá trình vận động có nhiều hoạt động, nhưng một trong các hoạt động mà tôi nhớ nhất là triển lãm “MỞ” năm 2009. Đây là một trong những hoạt động đầu tiên về người đồng tính diễn ra ở nơi công cộng giữa trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm trưng bày những bức ảnh về cuộc sống của người LGBT. Tôi nhớ Ban tổ chức là các bạn tình nguyện viên ICS còn trêu nhau rằng đó là sự kiện “come out” của cộng đồng vì lần đầu tiên người đồng tính nói về mình tại nơi công cộng. Chính vì vậy trước giờ khai mạc mọi người rất hồi hộp, không biết xã hội sẽ đón nhận mình như thế nào. Thời gian đó tôi cũng nghe rất nhiều câu chuyện bạo lực ở các nước khác với người LGBT nên bản thân cũng hồi hộp vì không biết người dân sẽ phản ứng thế nào với những bức ảnh nói về tình yêu đồng giới, nói về hai người con trai hôn nhau, hay hai người con gái cầm tay nhau, v.v. Tôi vẫn nhớ là ICS và iSEE quyết định thuê bảo vệ để đề phòng có chuyện gì không hay xảy ra. Cuối cùng thì mọi thứ diễn ra cũng rất tốt, Triển lãm đón nhận được sự ủng hộ của cả người dân lẫn cộng đồng LGBT.

Tôi vẫn nhớ trong khi triển lãm MỞ vẫn đang diễn ra, khi vào trang Táo Xanh có một bạn thành viên khá trẻ, tầm 16, 17 tuổi viết tâm sự rằng khi biết về triển lãm bạn ấy thực sự thấy yên tâm đi ra đường mà không sợ bị bạo hành vì biết có những tổ chức đang bảo vệ quyền của mình. Tôi cho rằng đó là một sự thay đổi rất lớn trong suy nghĩ. Trước đây, bạn rất lo lắng, lo sợ vì mình là người LGBT, nhưng bây giờ bạn biết rằng mình đang được xã hội đón nhận, và có những tổ chức đứng ra bảo vệ mình. Cá nhân tôi cảm thấy rất vui khi chứng kiến sự thay đổi trong từng cá nhân của cộng đồng. Đối với tôi, những thay đổi về luật, về xã hội cũng quan trọng nhưng cũng chỉ để tạo ra điều kiện thôi, vì mục đích sau cùng phải là đem lại sự thay đổi tích cực cho từng cá nhân con người.”

Leave a Reply