Be/longings

Năm 2021, Hà Nội Queer hợp tác với nghệ sĩ hoạt hình Nguyễn Thùy Dương sản xuất chuỗi 3 video về lịch sử LGBTQ Việt Nam dựa trên tư liệu của dự án Vietnamese Queer Culture. Chuỗi 3 video tái hiện và giới thiệu khía cạnh queer của mấy nghìn năm lịch sử phong phú và sống động của Việt Nam thông qua việc khám phá các chủ đề sau: Lịch sử Việt Nam qua lăng kính phi chuẩn giới, nghệ thuật thay lời muốn nói, và phác họa các phong trào LGBTIQ+ của Việt Nam. Sản phẩm nằm trong khuôn khổ Liên hoan văn hóa queer Đông Nam Á 2021 với chủ đề “Be/longings”.

#1 Định hình lại hình tượng lịch sử

Nhắc tới lịch sử Việt Nam, là nhắc tới bốn nghìn năm lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, không thể không nhắc tới bậc anh hùng, những nhân vật, con người đã viết nên những trang sử vàng son, còn được truyền lại tới con cháu bây giờ. Đến với dự án Vietnam Queer History Month, với chủ đề “Ngày xửa ngày xưa”, chúng tôi mong muốn đem lại một góc kể chuyện đa dạng hơn, nhiều chiều hơn về những hình bóng anh hùng tưởng như lịch sử của họ ta đã nắm thuộc lòng, rằng bên cạnh những chiến công ấy, có những câu chuyện gì, những điều gì sách sử có thể đã bỏ quên về họ. Và từ đó, chúng tôi muốn góp phần tái hiện lại những câu chuyện ấy, định hình lại dòng chảy lịch sử nhị nguyên nam – nữ, chia sẻ nhiều hơn những góc nhìn dưới lăng kính queer của thời kỳ hiện đại.
(Video bằng tiếng Việt có phụ đề tiếng Anh)

#2 Áng văn nói hộ lòng tôi

Lần lại theo sợi chỉ lịch sử văn học của Việt Nam, chúng ta cũng có thể bắt gặp những chỉ dấu của tính queer đâu đó trong lời văn, ý thơ của những người gửi lòng mình vào văn chương. Vào thế kỉ XVII – XVIII, xã hội có nhiều biến động với sự chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài. Khi Đàng Trong có vẻ phóng khoáng hơn, thì Đàng Ngoài, những nho sĩ bị cấm đoán nhiều hơn. Theo lý giải của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, chính sự đè nén về chính trị và đạo đức đã khiến một bộ phận tác giả mượn lời người nữ, “núp bóng đàn bà”, “chuyển giới tưởng tượng để thác lời, sáng tác”. Và họ trở thành những “nhà Nho lại cái”. Sang tới thời chiến, chúng ta bắt gặp một thứ gọi là tình trai, không ai chắc đến giờ nó phải là tình yêu đồng giới của những người nam, hay là thứ tình cảm thân thiết tri âm tri kỷ của những nghệ sĩ, của những người bộ đội, của những người lính ngày ấy. Nhưng điều gì đã xảy ra đi chăng nữa, nó không làm giảm đi giá trị những bài thơ hay bài hát mà những người thời ấy viết ra, dù là tình yêu họ đã hát, đã ngâm nga là tình trai trai hay tình trai gái, nó vẫn thắm thiết và lay động lòng người vô cùng.

(Video bằng tiếng Việt có phụ đề tiếng Anh)

#3 Những người soi đường

Ở Việt Nam, dù người LGBTQ có mặt từ rất lâu trong quá khứ nhưng sự hình thành và hiện diện của một “cộng đồng” mới bắt đầu từ khoảng 30 năm trở lại đây. Trong 30 năm qua, không thể không nhắc tới những mốc thời gian được coi là dấu ấn đặc biệt trong tiến trình vận động quyền cũng như khẳng định vị thế của người LGBTQ tại Việt Nam, từ một chủ đề bị cấm kỵ trở thành một phần của văn hóa đại chúng.

(Video bằng tiếng Việt có phụ đề tiếng Anh)