Ted Osius là đồng sáng lập của tổ chức GLIFAA – tổ chức người đồng tính nam và nữ tại các cơ sở ngoại giao, tuy nhiên được biết đến nhiều nhất với tư cách Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông cũng là người ủng hộ nhiệt tình các phong trào và hoạt động vì quyền lợi cộng đồng LGBTQ tại Việt Nam.

 

“Dù các bạn gọi tôi là một nhà đấu tranh vì quyền LGBT tại Việt Nam, tôi không thấy mình như vậy. Ngay từ đầu, Clayton và tôi đã nhận thấy mình không có nhiệm vụ thay đổi xã hội Việt Nam. Thay vào đó, nghĩa vụ của chúng tôi là ủng hộ những người đang ngày ngày tạo nên sự thay đổi đó. Chúng tôi đã gặp gỡ rất nhiều lần với các lãnh đạo trẻ của cộng đồng LGBTQ và nói: “Chúng tôi có thể làm gì để giúp các bạn, cho đất nước và các hoạt động của các bạn?”. Đôi khi họ cảm thấy chỉ riêng việc xuất hiện của chúng tôi đã giúp ích rồi. Cũng có thể họ chỉ cần chúng tôi chụp ảnh cùng, cho giới truyền thông biết chúng tôi đã tham dự. Chúng tôi rất sẵn sàng làm điều đó, và đã có mặt tại rất nhiều sự kiện. Tôi không cho rằng việc đó là đấu tranh đòi quyền lơi, đó chỉ là điều chúng tôi nên làm thôi. Tôi cũng không muốn khuyên bảo các bạn phải làm gì, chúng tôi không hề có quyền hạn gì trong việc thay đổi xã hội Việt Nam. Chỉ riêng việc ủng hộ cộng đồng LGBTQ và truyền cảm hứng cho các cá nhân đã mang ý nghĩa rất lớn cho chúng tôi rồi.

Tôi nghĩ thực trạng ở Việt Nam đã giúp tôi trở nên trung thực hơn. Vì khi bạn là một đại sứ, bạn không thể che giấu, bạn phải thẳng thắn về bản thân mình. Tôi nghĩ sự trung thực là chìa khóa dẫn tới những điều khác mà tôi nói tới. Nếu phải giải quyết chuyện quá khứ, cách tốt nhất là trung thực. Cơ hội xây dựng tương lai tốt đẹp hơn chỉ đến nếu chúng ta trung thực về quá khứ. Ý tôi không phải đang khuyên bảo các bạn trẻ, rằng các bạn cần come out hay điều gì khác. Đó là lựa chọn của riêng mỗi người. Mỗi bạn trẻ phải tự quyết định xem thời khắc nào là hợp lý nhất đối với chính bạn và gia đình. Và tất cả mọi người đều sẽ thành đạt hơn nếu được là chính mình, chứ không phải đóng giả một ai khác. Đó là bài học tôi đã lĩnh hội trong suốt 23 năm làm việc cả trong và ngoài đất nước Việt Nam.

Tôi nghĩ chìa khóa để mở cửa tình yêu đối với Việt Nam chính là ngôn ngữ. Tôi đã dành cả một năm trời để học tiếng Việt trước khi tới đây, vào năm 1996, và tôi đã sử dụng được nó. Khi tôi nói tiếng Việt, mọi người đều rất vui vẻ và chào đón, thậm chí còn ngạc nhiên khi thấy tôi nói được ngôn ngữ này. Qua đó tôi đã nhận ra ngôn ngữ đã mở cửa Việt Nam cho tôi nhiều hơn mọi nền văn hóa khác. Nguyên chủ tích nước Trương Tấn Sang từng nói vói tôi rằng: “Ông có một nửa dòng máu Việt Nam đấy” và tôi nhận thấy đó là lời khen rất lớn. Ông ấy nói điều đó sau khi tôi chuyện trò với ông ấy bằng tiếng Việt. Tôi cảm thấy mình được trải nghiệm nhiều điều thâm thúy hơn khi nói được ngôn ngữ địa phương.”

Leave a Reply