Pê đê hay bê đê từ lâu được sử dụng như lời sỉ nhục để chỉ những người đàn ông, những chàng trai bị coi là yếu đuối và nhạy cảm. Như vậy, từ này không chỉ có tính miệt thị với người LGBT mà còn với những người không nam tính theo cách nhiều người nghĩ nên có, nói cách khác là không tuân theo khuôn mẫu về nam tính mà xã hội đặt ra (Marcus, 2007).

 Nhà nhân học Frank Proschan cho rằng thực hành đồng tính nam xấu xa thời thuộc địa Pháp (pederasty) với các chàng trai Việt trong các ổ/sào huyệt thuốc phiện (opium dens) chính là di sản thuộc địa sinh ra từ pê đê. (Proschan, 2002 trích trong Newton, 2016). Theo CCIHP (Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số), trong kho tư liệu báo chí xuất bản trong giai đoạn 1930- 1954 tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội, nghiên cứu viên tìm thấy trên báo Phong Hóa, báo Ngày Nay, và một số báo khác một số phóng sự tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phê phán một số tập tục “xấu” của người Việt thông qua mô tả các mối quan hệ tình dục đồng giới, và lối sống “không tự nhiên” giữa những người cùng giới tính với nhau.

 Pê đê cũng được cho rằng bắt nguồn từ pédérastie trong tiếng Pháp. Từ gốc pédérastie dùng để chỉ mối quan hệ đồng tính luyến ái giữa hai người đàn ông trưởng thành. Trong từ điển An Nam – Pháp năm 1898, pédérastie được dịch là nam sắc – tức là sự khoái lạc của người nam (từ “sắc” ở đây cùng nghĩa với “dâm”) (Tran, 2011). Trong từ điển tiếng Việt phổ thông (2010), pê đê được định nghĩa là “người đàn ông có ham muốn tình dục với đàn ông; cũng dùng để chỉ người đồng tính luyến ái nói chung”. Tuy nhiên, từ pédérastie trong tiếng Pháp lại được cho rằng bắt nguồn từ Hy Lạp thể chỉ mối quan hệ đồng tính giữa một người đàn ông trưởng thành và một nam thiếu niên (thiếu niên ái) phổ biến trong xã hội Hy Lạp xưa.

 Trong thời Pháp thuộc, chính quyền kiểm tra kỹ lưỡng báo chí chính trị, nhưng họ lại cho phép viết về tính dục. Vào năm 1933, một người đọc có thể đến Tin Đức Thư Xã, một trong các nhà xuất bản và chuỗi hiệu sách quan trọng nhất ở Sài Gòn bấy giờ, để chọn lấy rất nhiều tài liệu tiếng Pháp về chủ đề này, kể cả đồng tính luyến ái, như Pédérastie et homosexualité có giá 60 xu (Tran, 2011).

 Từ pê đê cũng được cho là xuất hiện và được các cộng đồng hải ngoại sử dụng ở Việt Nam Cộng Hòa từ khoảng cuối những năm 60 đến giữa những năm 70 của thế kỷ trước. Từ này tái xuất hiện trong thời kỳ Đổi mới và có lẽ lần đầu tiên là trong loạt phóng sự gồm bốn phần với tiêu đề “Tình Pêđê” (pêđê viết theo nguyên tác). Xuất bản trên báo Công an thành phố Hồ Chí Minh năm 1987, phóng sự này giải thích rằng pêđê là từ rút gọn của pederasty – chỉ quan hệ bất thường giữa một người đàn ông hoặc một chàng trai với một người đàn ông khác. Phóng sự này cho rằng đây là hiện tượng phổ biến trong chế độ cũ nhưng chỉ lan rộng hơn bao giờ hết từ khi có chính sách mở cửa. Bài viết cảnh báo rằng “bệnh” này đang xuất hiện tràn lan vào thời điểm đó. Bệnh dịch này còn phức tạp bởi thực tế là một người không thể phân biệt giữa “pêđê bị bệnh thật sự” và “pêđê dởm”. Pêđê thật là những người thật sự bị bệnh, trong khi đó “pêđê dởm” nghĩa là trai mà giả gái hoặc gái mà giả trai. Dù là giả hay thật, từ pêđê ở đây nói đến sự đảo lộn vai trò giới hay sự nghịch giới trong một xã hội dị tính. Đồng thời, pêđê trong bài báo này cũng được định nghĩa là hiện tượng “lưỡng tính” (Tran, 2011). Có thể thấy, từ pêđê ban đầu được sử dụng không chỉ cho người đồng tính mà sử dụng lẫn lộn cho cả người chuyển giới và người song tính. Người pêđê được miêu tả với những so sánh như “nửa thật nửa giả”, “nửa tỉnh nửa mê”, “nửa đường nửa đoạn” hàm ý rằng họ chắc chắn không thể là nam giới 100%. Chính vì vậy, phóng sự này cho rằng nhiều người giả pêđê để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, bởi lẽ pêđê thì không hoàn toàn là nam giới mà nghĩa vụ thì chỉ bắt buộc với nam giới (Tran, 2011).

 Phóng sự “Tình Pêđê” cũng cảnh báo độc giả đề phòng với các thủ thuật của nhóm pêđê. Một anh chàng “nai tơ”, nếu nhìn “nàng thiệt” cũng giống như “nàng giả”, thì rất có thể vướng phải bẫy của “nàng giả” (pêđê) để rồi dễ dàng bị lột đồng hồ, ví tiền hay bị cuỗm xe đạp, xe máy lúc nào không hay. Điều thú vị là bài báo dường như không chỉ can gián độc giả trước ‘mối nguy’ về vấn nạn pêđê, mà còn hàm ý rằng các trai thẳng nai tơ cần phải sành sỏi, tinh tường hơn để phân biệt giữa “giả” và “thiệt”. Trai thẳng không phải đối tượng duy nhất mà pêđê nhắm đến, thậm chí, pêđê còn có thể vào các đám ma, đám cưới, giả vờ mua vui hoặc chia buồn với tang gia, nhưng thực chất là lợi dụng đám đông và tang gia bối rối để lấy đồ bất cứ lúc nào. Họ sẽ mua vui cho đám đông bằng những lời ca: “Đời tôi pê-đê nên yêu ai cũng cô đơn! Đời tôi pê-đê nên yêu ai cũng không thành!…”, nhưng chẳng phải vì tinh thần văn nghệ thuần túy. Bài báo, một lần nữa, khuyên độc giả cần nâng cao cảnh giác trước nhóm đối tượng này. Như vậy, những người bị gọi là pêđê còn bị mặc định có khả năng phạm pháp (Tran, 2011).

 Bài báo có tên “Hoa tìm khách” trên báo An ninh thủ đô năm 1990 đề cập đến các nam thanh niên pêđê mà “đóng làm phụ nữ và làm giả nghề ‘mại dâm”. Trong một bài báo khác trên tờ Công an nhân dân năm 1995: “Tình Pêđê: Vụ cướp đáng ngờ, tác giả cho rằng trai thẳng không nên dính líu đến pêđê mại dâm vì “quan hệ tình dục thác loạn” làm mất chất đàn ông chỉ sau một thời gian ngắn rồi trở thành những người “nửa đực, nửa cái”, chưa kể đến thảm họa Sida.

 Không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm báo chí phi hư cấu, pêđê cũng có mặt trong tác phẩm trinh thám hư cấu mang tên “Tội ác không mang khuôn mặt đàn bà” trên báo Công an thành phố Hồ Chí Minh từ 03 – 08/1990. Câu chuyện 21 phần này mở đầu với một xác chết của gái mại dâm nằm trên bàn. Các bác sĩ, y tá và cảnh sát vây quanh tử thi nằm dưới một tấm mền. Một y tá nhận xét: “Chắc là pêđê?”, một người khác hét lên: “Đàn bà nhưng có…súng!”. (Tran, 2011)

 Các bài báo kể trên chỉ là một vài ví dụ về cách người pêđê từng được mô tả trên báo chí. Nhiều bài báo khác cũng xem pêđê như một vấn nạn cần được giải quyết, pêđê thường gắn liền với tội phạm và lối sống không lành mạnh.

Về sau này, tuy không có ghi chép cụ thể về hoàn cảnh ra đời, nhưng biến thể của từ “pê đê” là “buê đuê” đã rộ lên trên các trang mạng xã hội, cụ thể là Facebook. Vào cuối năm 2014, từ “buê đuê” bắt đầu được phổ biến rộng rãi nhờ sự xuất hiện của trang cộng đồng “Tumblr Buê Đuê”, với mục đích ban đầu là cung cấp những nội dung liên quan tới LGBT từ trang mạng xã hội Tumblr tới với cộng đồng. 

“Buê đuê”, đọc lái từ “bê đê” hay “pê đê”, như một cách mà người LGBTQ tự trào phúng và giành lại những cụm từ vốn mang tính gây tổn thương cao và miệt thị đối với cộng đồng mình. Có thể nói, nhờ sự lưu truyền nhanh chóng và tích cực của từ “buê đuê”, cộng đồng LGBTQ đã có nhiều thay đổi trong nhận thức và tư thế của mình khi biến ngôn từ, thứ vũ khí được sử dụng để bài xích cộng đồng, trở thành một công cụ để tự giải phóng và trao quyền cho mình.

Nguồn:

Marcus, E., 2007. What If Someone I Know Is Gay?: Answers to Questions About What It Means to Be Gay and Lesbian. Dịch từ tiếng Anh bởi T.C.Bùi. Phương Nam Book & NXB Hội Nhà Văn.

 Tran, Quang-Anh Richard., 2011. From Red Lights to Red Flags: A History of Gender in Colonial and Contemporary Vietnam.

http://digitalassets.lib.berkeley.edu/etd/ucb/text/TRAN_berkeley_0028E_11780.pdf

 Trương, V.H., 2010. Từ điển tiếng Việt phổ thông, 2010. Hà Nội: NXB Thanh niên

 Newton, N., 2016. CONTINGENT INVISIBILITY: Space, Community, and Invisibility for Les in Saigon. Duke University Press.

DOI 10.1215/10642684-3315253

Benon

Leave a Reply