Đã từng có một thời gian rất lâu, tất cả những người đồng tính, chuyển giới lẫn những người có thể hiện giới hay tình trạng cơ thể không điển hình được gọi chung bằng một cụm từ “thế giới thứ 3.” 

Nhìn một cách khách quan, “thế giới thứ 3” là một thuật ngữ mang tính địa phương và chỉ có ở Việt Nam, khi mà những thông tin khoa học còn chưa đầy đủ. Trên thế giới, “thế giới thứ 3” dùng để chỉ các nước kém phát triển về kinh tế. Và mặc dù được dùng rất nhiều tại Việt Nam, cũng không ai đưa ra một định nghĩa đầy đủ về “thế giới thứ 3”. Nếu có thì chỉ đơn giản như cách giải thích của nhiều người: thế giới thứ 1 là nam, thế giới thứ 2 là nữ, còn lại là thứ giới thứ 3. Chính từ cách lý giải đó mà nhiều người, đặc biệt là các bạn đồng tính, không thích cụm từ này, vì họ nghĩ rằng người đồng tính thì vẫn là nam hoặc nữ.

Cụm từ này bắt đầu xuất hiện và được phổ biến nhờ các phương tiện truyền thông bấy giờ, đặc biệt là trên các trang báo. Một số ví dụ điển hình như “Tình ảo trong thế giới thứ ba” (dantri.com, đăng tải ngày 22/7/2008), hay “Giới tính thứ 3 đi làm từ thiện” (vnexpress.net, đăng tải ngày 22/7/2008),…  Không chỉ phổ biến trên các kênh truyền thông, cụm từ này còn được sử dụng rộng rãi bởi chính cộng đồng LGBT. Hơn nữa, cụm từ “Thế giới thứ 3” còn được sử dụng để đặt cho một diễn đàn dành cho cộng đồng rất nổi tiếng lúc bấy giờ (tgt3.com). Nguyên nhân của sự phổ biến rộng rãi này là do lúc đó, chưa có cụm từ nào thích hợp hơn để gọi cộng đồng.

Sau một khoảng thời gian, các nhà vận động quyền cho rằng cụm từ này không chính xác nữa, mà thay vào đó, cụm từ LGBT được phổ biến hơn khi nhắc về cộng đồng. 

Tương tự với “giới tính thứ 3”, đây không phải là cụm từ chính xác vì nếu nói một cách khoa học, “giới tính thứ 3” ám chỉ người liên giới tính (nếu coi nam và nữ là 1 và 2), nhóm người này không đại diện được cả cộng đồng LGBT.

Tuy nhiên, trong chương trình “Người ấy là ai?”, cụm từ “giới tính thứ 3” lại một lần nữa được sử dụng. Ban tổ chức chương trình cho rằng việc sử dụng cụm từ “giới tính thứ 3” sẽ giúp khán giả dễ hình dung hơn, vì không ai phải ai cũng có hiểu biết về khái niệm giới và tính dục. Tuy nhiên, việc này cũng khó tránh khỏi phản ứng trái chiều đến từ cộng đồng LGBT. Nhiều người thích cách gọi đó (“thế giới thứ 3” và “giới tính thứ 3”), vì nó cho họ cảm giác mình thuộc về một cộng đồng nào đó. Nhiều người không thích cụm từ này vì họ nghĩ rằng như thế là tự tách biệt mình ra khỏi xã hội.

Nguồn:

dantri.com

vnexpress.net

Ba thế giới, một hành tinh, 1952, Alfred Sauvy

6sac.com

Leave a Reply