Ô môi là tiếng lóng được dùng cho người đồng tính nữ. Từ này được cho là bắt nguồn từ tên một loại hoa quả nhiệt đới ở Việt Nam. Gina Masequesmay (2003) lý giải rằng hình ảnh ăn quả ô môi gợi liên tưởng đến quan hệ tình dục bằng miệng với bộ phận/vùng sinh dục nữ (cunnilingus). Một luồng quan điểm khác cho rằng từ này không liên quan đến tên loại hoa quả trên, mà lại là cách nói rút gọn của từ “homosexuelle” trong tiếng Pháp. Dù nguồn gốc truy nguyên của từ này ra sao, nó đã đi cùng cộng đồng hải ngoại và sau đó trở thành tên của một nhóm thiểu số ủng hộ người đồng tính nữ, song tính và người chuyển giới nam tại Nam California (Tran, 2011).

 Từ này lưu thông trong báo chí Sài Gòn thời Đổi mới (Saigonese Renovation press). Bài báo “Chuyện tình ô-mai” năm 1990 trên tờ Công an thành phố Hồ Chí Minh có giải thích như sau:

Khi cha mẹ sinh ra, số thiếu nữ này có đầy đủ đặc điểm, giới tính của phái nữ. Nhưng khi lớn lên họ thích mặc đồ con trai, có những tác phong cử chỉ như con trai, thích làm quen tán tỉnh các cô gái khác để căn bồ, để yêu đương như con trai với con gái. Để phân biệt với chữ ‘pêđê‘ chỉ đồng tính luyến ái nam, người ta gọi những người này là ‘ô môi,‘ tức đồng tính ái nữ” (trích trong Tran, 2011).

Với cách lý giải như trên, ô môi được hiểu là một người nữ có các hành vi và ham muốn của một người nam.

 “Chuyện tình ô mai” (1990) cảnh báo độc giả nên cảnh báo với trộm cắp ô môi. Trong các đám ma, đám cưới, các “băng ô môi” thường tìm đến hát hò giúp vui mà không cần thù lao bồi dưỡng. Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là màn diễn nhằm tận dụng cơ hội cuỗm đồ lúc gia chủ không đề phòng. Chuyện tình ô môi, bị coi là “bệnh hoạn”, còn có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình, thậm chí dẫn đến án mạng đau lòng. Phóng sự này đưa ra ví dụ về một cặp đôi sắp cưới, nhưng người con gái lại giao du với “đám ô môi” còn người con trai bị đám ô môi coi là “tình địch”. Kết cục là người con trai đã bị đám ô môi hãm hại, bài báo nhận định sự việc đáng tiếc xảy ra “chỉ vì ngăn cản mối quan hệ bệnh hoạn với đám ô môi” (Tran, 2011).

 Giống như pêđê, ô môi cũng bị nghi ngờ về tính thật giả. Bài báo “Trong thế giới ô môi” năm 2005 trên báo Thanh niên cho rằng ô môi ‘thật’ là người mà bẩm sinh đã có những đặc điểm về cơ thể giống nam giới, còn ô môi ‘giả’ chỉ đơn thuần là thích cư xử và ăn mặc như đàn ông. Bài này cũng đưa ra nhiều ví dụ về ô môi, chủ yếu là những người phụ nữ nông thôn di cư ra thành phố (Tran, 2011).

Nguồn:

Tran, Quang-Anh Richard., 2011. From Red Lights to Red Flags: A History of Gender in Colonial and Contemporary Vietnam.

http://digitalassets.lib.berkeley.edu/etd/ucb/text/TRAN_berkeley_0028E_11780.pdf

 Masequesmay, G., 2003. Negotiating Multiple Identities in a Queer Vietnamese Support Group.

https://pdfs.semanticscholar.org/1cbf/ae7670723d9b42c0c47d063b449a3dac7eca.pdf

Leave a Reply