Vào thế kỉ XVII – XVIII, xã hội có nhiều biến động với sự chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài. Khi Đàng Trong có vẻ phóng khoáng hơn, thì Đàng Ngoài, những nho sĩ bị cấm đoán nhiều hơn. Theo lý giải của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, chính sự đè nén về chính trị và đạo đức đã khiến một bộ phận tác giả mượn lời người nữ, “núp bóng đàn bà”, “chuyển giới tưởng tượng để thác lời, sáng tác”. Và họ trở thành những “nhà Nho lại cái”.
Nói tới “nhà Nho lại cái”, ta phải kể đến Nguyễn Gia Thiều với tác phẩm “Cung ngâm oán khúc” hay tác giả của “Chinh Phụ Ngâm” nổi tiếng – Đặng Trần Côn. Không chỉ là những lời thơ ai oán, đau khổ mà những bài thơ còn chứa đựng sự táo bạo thấm đẫm những nhục cảm đầy nghệ thuật mà có lẽ ta sẽ chỉ hầu như bắt gặp ở những tác phẩm của tác giả nam:
Tay Nguyệt lão khờ sao có một,
Bỗng tơ tình vướng gót cung phi.
Cái đêm hôm ấy đêm gì,
Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng.
(Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)
Quân trước đã gần ngoài Doanh Liễu,
Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương.
Quân đưa chàng ruổi lên đường,
Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?
(Chinh Phụ Ngâm – Đặng Trần Côn)
Trong một nghiên cứu của mình, tác giả Trần Ngọc Hiếu đã đề cập tới hiện tượng “lại cái” và nhận xét cái yếu tố “queer” thể hiện ở phương thức tự sự này. Đó là “Khi nam giới trở thành trung tâm của ý thức hệ, nó không chỉ ngoại vi hóa, vô hình hóa, tạo nên những trấn áp đối với những giới tính khác, ý niệm nam tính còn trấn áp, đè nén chính bản thân của người đàn ông”.
Đối với văn học Việt Nam, motif “đổi vai”, hay “lại cái”, khó có thể đoán biết được tác giả đang tự sự này là người queer hay đây chỉ là một trong những thủ pháp nghệ thuật mà họ sử dụng trong sáng tác. Dù câu trả lời là gì, thì giá trị nghệ thuật của các tác phẩm này cũng không hề giảm sút.
Xem xét việc “lại cái” trong các tác phẩm của thời đại xã hội trọng nam khinh nữ ấy, khi mà các nhà Nho liên tục cố gắng đập bỏ đi rang buộc về giới trong hoạt động sáng tác của mình, thì chúng tôi nảy ra một suy nghĩ rằng: Phải chăng, nhu cầu phá bỏ những khuôn mẫu giới đã luôn có trong xã hội, và luôn luôn có những người, bằng cách này hay cách khác, đấu tranh cho quyền thể hiện con người mình theo cách họ muốn.
Nguồn:
Trần Ngọc Hiếu: Văn học đồng tính ở Việt Nam: từ những hình thức ngụy trang đến những tự thuật thú nhận giới tính Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 6 năm 2014