Xét trên quan niệm thời xưa, thì việc vua Khải Định không đoái hoài đến cung tần mỹ nữ của mình khiến ông bị coi là bất lực. Việc chồng bất lực, không ngó ngàng gì đến mình, lại cộng thêm ham mê cờ bạc tiêu tốn của cải gia đình nhà vợ là lý do khiến bà Đệ nhất giai phi họ Trương, vợ ông, đã bỏ ông mà đi tu. Đồng thời, cũng vì cái danh bất lực ấy, mà sau này cũng có nhiều lời đồn đoán Bảo Đại cũng không phải con ruột của ông; người lại đồn rằng ông dùng thuốc bổ, tự dưng muốn gần gũi phụ nữ, nên ông mới ban ơn cho cung nữ Hoàng Thị Cúc.

Nhưng xét trên cái nhìn hiện đại, báo chí và những người quan tâm đến cuộc đời của Khải Định cho rằng ông không hề bất lực, mà thực ra là ông không thích đàn bà mà thích đàn ông, nhất là khi “để ý” đến những sở thích của Khải Định trong thưởng thức âm nhạc múa hát: tỏ ra buồn chán không quan tâm tới các thị nữ, gợi ý thay đổi thành vũ công nam tô son má hồng; cách thức trưng diện phục sức khác thường (so với thời điểm đó), quan hệ tôi tớ của ông và thị vệ Nguyễn Đắc Vọng, cũng như cách ông đối xử với những người vợ của mình.

“Vua Khải Định là Hoàng trưởng tử của vua Đồng Khánh (1885 – 1888). Khải Định là một trong hai vị vua mang tiếng “bất lực”, nghĩa là kém khả năng trong tình dục, ân ái.

Suốt 10 năm làm vua (1916-1925), ông đã nuôi Nguyễn Đắc Vọng làm thị vệ. Ban đêm ông ôm Vọng mà ngủ. Nhờ sự khéo léo trong việc phục tùng này mà ông Vọng đã được thăng tiến đến Ngũ đẳng thị vệ.

Những buổi sáng phải ra điện Cần Chánh thiết triều, các bà đứng hai hàng bái kiến đón chào, ông liền dùng tay ôm gọn hai vạt áo bào sát vào người để khỏi vương vào “đàn bà”…

Nhiều người biết Khải Định bất lực, chính vua cũng nhận điều đó.Thế nhưng các quan đại thần thì vẫn muốn “tiến” cung con gái mình vào làm vợ vua. Khó lòng chối từ, vua thường nói với các quan “Nội cung của Trẫm là một cái chùa (ý nói không có chuyện ái ân tình dục), ai muốn tu thì cứ vào!”. Do đó, dù Khải Định không gần gũi đàn bà, ông vẫn có đủ tam cung lục viện như các vua tiền triều.”

Đương thời, Khải Định bị đánh giá là một ông vua không được lòng dân, thuở thiếu thời thì ham mê cờ bạc, tiêu tốn của cải của gia đình nhà vợ. Đến khi giữ ngôi vị là Vua nhà Nguyễn, thì ông cũng bị chế nhạo, khiển trách vì sự thân Pháp, chuộng xa xỉ, không quan tâm đến con dân. Trong Thất điều trần – Bức di cảo của Phan Châu Trinh liệt kê 7 cái tội của Khải Định, tạm gác những cái tội khác mà lịch sử gán lên ông vua Khải Định, hãy bàn về cái sự “phục sức không đúng phép” được nhắc đến trong Thất điều trần trên. Những tài liệu sử sách chép lại về phong cách ăn mặc, phục sức của Khải Định, cho thấy ông đầu tư rất nhiều cho các thiết kế trang phục của cả bản thân, lẫn của quan lại, lính tráng. “Vua chuộng và coi trọng việc trang điểm, phối hợp màu sắc điểm xuyết bằng cách đính các viên ngọc quý, vàng bạc, kim cương… trên áo quần, giày, ủng, mũ nón, bao kiếm…Vua chế ra một số y phục long bào vượt qua các mẫu mã qui định truyền thống của các vua chúa thời trước… Ngoài ra, thay vì mang hia, vua đi ủng da láng bóng, có trang trí hoa văn bằng bạc, ngang lưng mang đai cẩn ngọc, mang kiếm Pháp, đeo bao tay trắng, quần tây trắng, nhưng đầu vẫn bịt khăn đóng và có khi đội nón chóp. Cái nón này lợp bằng lông vũ, bọc lụa vàng, có chóp bằng vàng. Vua cũng có một cái nón chóp khác màu đen.”

Nguồn:

– Truyện các bà trong cung Nguyễn – tác giả Nguyễn Đắc Xuân (1994).

– http://www.baomoi.com/giai-thoai-buon-ve-vua-khai-dinh/c/6949301.epi

Tags:

Leave a Reply