Nguyễn Bảo Châu, sinh năm 1998. Châu là thành viên của NextGEN từ 2015 tới nay. Ngoài ra, Châu còn sáng lập dự án “Tuần phim Queer quốc tế Hà Nội”, là một dự án phát triển điện ảnh của người queer tại Hà Nội, khởi nguồn là liên hoan phim Queer quốc tế đầu tiên được thực hiện hợp pháp tại Việt Nam.

 

“Năm 2017, mình phải đi xin giấy phép để làm dự án “Tuần phim Queer quốc tế Hà Nội”. Một tháng rưỡi trời mất ăn mất ngủ, tụt 5 cân để mà xin được một cái giấy phép, cảm giác nó vô vọng không thể chịu được. Tất cả mọi người tính đến phương án đi lùi, giả dụ đến ngày khai mạc mà vẫn câu trả lời là không thì chúng ta làm thế nào. Không làm công khai nữa, quay về làm underground như những buổi chiếu bình thường của những liên hoan phim khác là họ làm ngầm, không xin phép. Nhưng không, mình tin vào một điều là nếu chúng ta muốn đánh vào một phần đông đại chúng, những khán giả nói chung thì chúng ta phải ra rạp. Rạp phim là thánh đường của điện ảnh và một bộ phim cần được phải chiếu trong rạp cho mọi người xem, người ta cảm được hết cái hay cái đẹp, bằng một tỉ lệ khuôn hình đúng vì ngay cả tỉ lệ khuôn hình cũng biết nói chuyện. Thế nếu chúng ta làm underground chúng ta chiếu trong một phòng bé, lượng khán giả chúng ta có là bao nhiêu? 20, 30 người. Khán giả chúng ta tiếp cận được là bao nhiêu nếu như bây giờ chúng ta chỉ có phương tiện là Facebook và vì làm underground nên không được quảng cáo rộng? Người này truyền tai người kia liệu có được nổi 20, 30 người một buổi chiếu không? Tầng lớp mình có thể tiếp cận được là đâu? Tầng lớp mình có thể tiếp cận được nếu như toàn là những người trẻ thông báo được đến những người trẻ và nó chỉ là những người trẻ thôi. Nhưng không mình nghĩ rằng là mình phải cố đến cùng, đã đâm lao thì phải theo lao. Đến khi mình gục xuống rồi, không thể tiếp tục nữa rồi, mình nhìn lại những con người đã theo mình từ những ngày đầu tiên, những ngày mình đặt bút viết xuống những dòng đầu cho sự kiện, đặt tên cho sự kiện. Cho đến bây giờ, tất cả mọi thứ đã xong, chỉ chờ duy nhất một tờ giấy phép thôi. Liệu mình có bỏ được không? Mình không bỏ được, mình sẽ phải tiếp tục. Đấy rồi khi mình thành công thì đó là sự thăng hoa. Và câu chuyện thành công hơn cái giấy phép là gì, là giờ bọn mình có thể có VTV đến, bọn mình có thể chiếu ở rạp tháng Tám. Có sinh viên, có người lao động có tầng lớp trí thức, có một gia đình, có những người đã làm cha làm mẹ, có người đã làm ông làm bà tới xem, có người nước ngoài, có người Việt Nam. Đấy là một cái hiệu quả mà mình nghĩ là tại sao chúng ta lại đánh đổi để lấy một cái gì đó dễ dàng. Mình hoàn toàn có thể làm được buổi chiếu ở một nơi mà mình không cần xin giấy phép.

Sự thành công của liên hoan phim trở thành một cái bóng. Bản thân mình nhận ra mình không vượt qua được cái bóng của nó. Tất nhiên nó ảnh hưởng một cách tích cực khiến mình muốn mở rộng nó, đặt ra một kế hoạch nghiêm túc với nó, mình nuôi nó bởi vì nó là con mình để mà làm sao người ta biết đến nó nhiều hơn. Nó trở thành động lực để tiếp tục cái mình đang làm, mở rộng mối quan hệ mà mình quan hệ, tìm cách trau dồi bản thân mình để mà làm sao mình có thể mình sẽ là gương mặt đi xin tiền, gương mặt đi làm việc để mà có thể biến thành hiện thực. Ngược lại khi nó là bóng quá lớn, có thể mình sẽ ngã. Thì cả hai mặt đều như vậy. Nhưng bóng chỉ có khi mà có ánh sáng đổ xuống. Nhưng sáng mãi cũng phải tắt để nhường chỗ cho ánh trăng.”

Leave a Reply