Không giống như bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần để lại những vết thương vô hình mà ngay cả người gây ra cũng như người chịu đựng đều không nhận thức được.

Việc đi đến quyết định chung sống giữa các cặp đôi nữ yêu nữ dường như là kết quả tự nhiên của tình cảm giữa 2 bên mà ít có sự tính toán trước. “Bọn em yêu nhau mãnh liệt quá, xa nhau không chịu được nên chuyển vào ở chung thôi”, Linh (22 tuổi) chia sẻ. Nhưng đúng là phải “sống trong chăn mới biết chăn có rận”, đa số các cặp đôi được chúng tôi phỏng vấn đều chia sẻ việc sống chung khiến họ nhận ra những tính xấu của nhau, từ đó bắt đầu dẫn đến những trận lời qua tiếng lại.

Hầu hết các cặp đôi đều cho biết, họ cãi nhau chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống như chuyện bật tắt đèn, dọn dẹp nhà cửa hay gây tiếng động khi đối phương đang ngủ. Những chuyện tưởng như rất đơn giản đó lại là “cảm hứng bất tận” cho màn đấu khẩu của 2 bên. “Ví dụ một lần, chị có khách hẹn sớm thì phải dậy sớm đi làm. Bạn này dậy rồi, chị mới bật đèn lên. Thì lại hỏi sao mày bật đèn mà không hỏi tao thế này thế kia. Cãi nhau xong chửi nhau to, rồi bạn này bỏ về nhà bạn í. Rồi chia tay. Ngày nào cũng cãi nhau được, ví dụ như là rửa bát, chị muốn rửa luôn cho sạch sẽ còn bạn kia lại hay để đến hôm sau. Chị thấy khó chịu rồi cằn nhằn, bạn ý bảo chị nói nhiều, rồi cãi nhau.” (Ngọc Anh, 26 tuổi).

Thông qua các buổi phỏng vấn, chúng tôi nhận thấy rằng việc xúc phạm nhau bằng lời nói khá phổ biến ở các cặp đôi. Thay vì sử dụng hành động, “phái yếu” lại sử dụng ngôn ngữ. Hầu hết những người được chúng tôi phỏng vấn đều thừa nhận rằng, họ không nỡ làm đau nửa kia của mình, nhưng khi không kìm nén được cảm xúc thì những lời nói hạ thấp, mạt sát liên tục được phát ra. Tuy nhiên, việc cãi nhau không diễn ra lâu và thường kết thúc khi có 1 người chủ động giảng hòa, dỗ dành người còn lại.
🌱 Những cuộc cãi vã của bọn mình thì rất giống nhau, ban đầu là mạt sát, chọc tức, chửi nhau. Lúc sau, chỉ tầm 30 phút đến 1 tiếng thì bạn í lại quay ra làm lành, ôm mình rồi xin lỗi, mình thấy thế thì cũng tha thứ, vì mình là một người dễ mềm lòng. (Hương, 23 tuổi). 
🌱 Thường xuyên trong những lúc cãi nhau, chị người yêu cũ của chị thì là người sẽ nói những lời tổn thương chị trước, những lời nói tổn thương chị thì chị cũng không nhớ nữa, nói chung là cũng có nhiều. Chị í trong những lần cãi nhau sẽ xúc phạm chị trước tại do chị í khó chịu với chị, với những hành động hay suy nghĩ còn trẻ con của chị. Lúc đấy thì chị sẽ lựa lời để nói với chị ấy, vì lúc đấy chị í đã khó chịu rồi, mà chị thì thương chị í lắm nên là sẽ cố gắng để làm dịu lại tình hình. Thường những lần cãi nhau mà chị í có xúc phạm chị, thì chị luôn cố giảng hoà luôn. Tính chị thì thẳng thắn và luôn muốn giải quyết mọi chuyện nhanh luôn, nên chị nói chuyện luôn lúc đấy chứ không để đến lúc sau. Chị thích giải quyết ngay lập tức, mà những lúc như thế thì chị lại cố gắng mềm mỏng nói chuyện cho đến khi hai đứa không còn căng thẳng nữa thôi. (Giao, 24 tuổi).

Hầu hết các cặp đôi đều dễ mềm lòng và bỏ qua cho đối phương, nhưng những lời nói ra 1 phần nào đó cũng gây ra những tổn thương về mặt tinh thần trong các cặp đôi này. Có 1 vài người đã tự làm đau bản thân để giải tỏa cảm xúc của mình 
🌱 Hồi đầu cãi nhau em cũng trẻ con, lần đầu yêu 1 ng như thế. Nghĩ lại cũng buồn cười, em hét lên r chửi nó không ra gì. Một thời gian ở cùng thì tiết chế lại, em giận thì em đi ra ngoài chơi thôi, đỡ mệt thì đi về. Nhưng mà để nó ở nhà 1 mình thì lại có một vấn đề. Nó cứ hay suy nghĩ tiêu cực, rồi tự cào cấu bản thân, nó cứ tự đập đầu vào tường í, về sau em mới biết. Có một lần í, cãi nhau xong rồi em bực quá em đi ra ngoài, em nghĩ là cả 2 đứa đều chưa ăn tối nên em mua đồ ăn tối về chứ không đi chơi nữa. Lúc về thì em thấy nó đang tự cào người nó. Lúc đấy em ngăn lại. Cách giải tỏa của nó rất là tiêu cực. (Linh, 22 tuổi)
🌱 Có một lần chị mệt, đang làm việc. Chị học về design, quen thức khuya để làm việc. Con bé cứ ra đòi nói chuyện rồi làm nũng chị. Chị nói luôn là chị đang mệt. Thế là con bé bắt đầu dỗi, chị nói không được. Nói gì cũng bảo chị không thương em, không quan tâm đến em. Chị không nói được thế là tức điên. Chị tự lấy tay đấm vào tường. Chị tự đổ hết lỗi lên đầu mình, bảo là do chị, tất cả là do chị, vì chị mà khiến em buồn. Một lúc thì con bé thấy chị đau nên sợ rồi dỗ dành chị, thế là cả hai làm hòa. Lần nào cãi nhau mà con bé không nghe chị thì chị cũng làm vậy để con bé chú ý đến chị rồi không dỗi nữa. (Minh, 21 tuổi)

Có thể thấy rằng, ngoài việc giải tỏa cảm xúc cá nhân, việc tự làm đau bản thân cũng được sử dụng như 1 hình thức để lôi kéo sự chú ý và dằn vặt lại đối phương. Có thể bản thân những người trong mối quan hệ này không nhận thức rõ, nhưng đây là 1 trong những biểu hiện của bạo lực tinh thần. Không giống như bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần để lại những vết thương vô hình mà ngay cả người gây ra bạo lực cũng như người chịu bạo lực đều không nhận thức được. Hay như trong câu chuyện của Linh, chúng tôi nhận thấy rằng cả 2 đều là người gây ra bạo lực cũng như là người chịu bạo lực. Qua tìm hiểu, Linh cho biết có những lúc người bạn của mình không chia sẻ suy nghĩ mà luôn âm thầm chịu đựng 1 mình, đó cũng là lý do dẫn đến có những xích mích không thể hòa giải.

Theo chúng tôi, có những dấu hiệu của bạo lực tinh thần đang tồn tại 1 cách vô hình giữa các cặp đôi, đặc biệt là các cặp đang chung sống bởi họ có nhiều thời gian tiếp xúc cũng như có nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống chung. Bởi vậy, việc được hướng dẫn cách giải tỏa cảm xúc và giải quyết xích mích là cần thiết cho các cặp đôi nói chung và người nữ yêu nữ nói riêng.

CHUNG MỘT NHÀ, chuỗi bài viết truyền thông về cuộc sống chung giữa người Nữ yêu nữ. 

QUEER LÁ CẢI, trang tin cầu vồng cho mọi nhà ❤️

Leave a Reply