Bạo lực thể chất từ lâu đã không còn là một khái niệm xa lạ đối với chúng ta, nó đã trở thành một vấn nạn xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cho đến nay, mặc dù nam giới và trẻ em trai cũng là nạn nhân, song phụ nữ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương và bị bạo lực hơn, chủ yếu do nam giới (chồng/bạn tình…) gây ra. Nguyên nhân căn bản của bạo lực trên cơ sở giới là sự bất bình đẳng về quyền lực, vị thế và sự kiểm soát nguồn lực giữa nam giới và phụ nữ.

Vậy nên một câu hỏi đã được đặt ra khi chúng tôi thực hiện phỏng vấn nhân vật cho chuỗi bài Chung một nhà: Bạo lực thể chất, có hay không ở các cặp đôi nữ yêu nữ? Thực trạng của vấn đề này đang ra sao? Cùng tìm lời giải đáp trong bài viết này nhé.

Thông qua những buổi phỏng vấn, hầu hết các cặp đôi đều chưa từng “thượng cẳng tay hạ cẳng chân”, họ không muốn làm đau nửa kia của mình thay vì hành động bạo lực là những cuộc cãi vã khi có mâu thuẫn xảy ra.
🌱Hầu hết là những cãi vã rất nhỏ nhặt, cả hai chưa từng có chuyện động tay động chân với nhau. Nếu có những cãi vã thì bạn người yêu cũ của mình sẽ hoà giải trước, mình tuỳ vào thái độ của bạn í rồi mới quyết định là bỏ qua hay không. Có một lần mình đã đuổi bạn í ra khỏi nhà, vì mình thực sự không muốn nhìn thấy bạn í thật. Nói là bạn í chiều chuộng mình thôi nhưng thực ra mình là người khổ tâm nhất, gánh nặng mọi thứ đều đổ lên vai mình còn bạn í thì ham chơi. Bạn bè, người quen, thầy cô đều khuyên mình dứt được bạn í sớm thì tốt, đỡ mệt đầu. Nhưng bị một cái là bạn í vẫn cứ ở lì trong nhà mình, không chịu chuyển đi. Mãi cho đến tuần trước thì bạn í mới chuyển ra ngoài và bọn mình chấm dứt từ đấy. (Hương, 23 tuổi)
🌱Không, chưa từng có chuyện động tay động chân. Chỉ cãi nhau thôi, và cũng không căng thẳng đến mức phải động tay động chân với nhau, tính hai đứa con gái thì nhẹ nhàng nên chưa từng có chuyện lỡ tay đánh người kia hay là đập bát đập đĩa. Có những chuyện tranh cãi, khi chị nói ra thì chị ấy cũng cáu nên mới cãi nhau thôi, vì tính chị trẻ con nên sẽ không đồng quan điểm với chị ấy. (Giao, 24 tuổi)

Nhưng đâu đó, yếu tố bạo lực thể chất vẫn len lỏi xuất hiện trong cuộc sống chung của các cặp đôi nữ yêu nữ. Có thể nó không diễn ra thường xuyên, quá căng thẳng hay thô bạo để gây ra hậu quả nghiêm trọng về thể chất và sẽ thường chấm dứt khi đối phương dỗ dành làm hoà nhưng bạo lực vẫn là bạo lực. Nó vẫn để lại những thương tổn cho cả hai và luôn là một hành vi sai trái trong quan hệ giữa các cặp đôi.
🌱Nếu như mà chị chịu dỗ dành thì không sao, hai người lại làm lành. Còn nếu chị chán rồi, không buồn nói nữa kệ cho đi về nhà, thì lại dùng bạo lực với chị. Có lần chị muốn đi ngủ sớm vì mai có khách và bảo chị kia tắt điện thoại đi nhưng không tắt. Thế là cãi nhau, rồi chị kia đòi bỏ về. Chị cho về thế là gây sự với chị, giằng tóc. Kiểu như là cố gây sự để mình đáp lại lời rồi giữ lại mới thôi. Nếu như thế thì chị cũng sẽ xuống nước thôi, chứ cũng không làm căng quá. Cũng chỉ giằng tóc thôi chứ không nghiêm trọng chảy máu. Lúc xong mọi việc, chị cũng góp ý là không chấp nhận hành động như thế, cũng có thấy có sự cải thiện. Nhưng chỉ là do hành động bộc phát, lúc người ta nóng tính người ta không kìm được thôi. Mình xuống nước thì mọi chuyện lại êm ấm. Chuyện này rất ít xảy ra, cũng chỉ 1,2 lần trong 3 năm ở cùng thôi. Lần gần đây nhất là cũng cách gần 2 năm rồi. (Ngọc Anh, 26 tuổi)

Và cũng vẫn là bạo lực nhưng có những người họ tự bạo lực với chính mình, tự làm đau bản thân để giải toả áp lực, chọn nó như một cách để giải quyết vấn đề, để không làm tổn thương đối phương và bộc lộ cảm xúc của mình với họ dù biết là tiêu cực.
🌱Cãi nhau chị không bao giờ dùng lời nói gì khiến con bé buồn, động chân động tay thì không. Duy chỉ có việc là khi cãi nhau chị hay tự đấm tay vào tường. Có một lần chị mệt, đang làm việc. Chị học về design, quen thức khuya để làm việc. Con bé cứ ra đòi nói chuyện rồi làm nũng chị. Chị nói luôn là chị đang mệt. Thế là con bé bắt đầu dỗi, chị nói không được. Nói gì cũng bảo chị không thương em, không quan tâm đến em. Chị không nói được thế là tức điên. Chị tự lấy tay đấm vào tường. Chị tự đổ hết lỗi lên đầu mình, bảo là do chị, tất cả là do chị, vì chị mà khiến em buồn. Một lúc thì con bé thấy chị đau nên sợ rồi dỗ dành chị, thế là cả hai làm hòa. Lần nào cãi nhau mà con bé không nghe chị thì chị cũng làm vậy để con bé chú ý đến chị rồi không dỗi nữa.
Chị nóng tính lắm, nhưng chị không bao giờ nghĩ là mình sẽ làm đau con bé, vì vậychị tự làm đau chính bản thân mình để con bé chú ý và hiểu được tình cảm của chị hơn. Đây cũng là cách chị xả stress, lúc đấy chị tập trung vào cơn đau ở tay của mình,nó giúp chị quên đi tâm trạng và cảm xúc của mình. Chị sợ nếu chị không xả được, chị sẽ nói những lời khiến con bé tổn thương, vì vậy chị luôn làm như vậy. Lần nào con bé kia cũng bảo chị không được làm thế nữa, nhưng thà làm như vậy còn hơn bị căng thẳng rồi nói những thứ mình sẽ mãi hối hận. Chị cũng chỉ làm tay rớm máu thôi chứ không đấm đến mức gãy tay hay gì cả.
Dạo gần đây thì chị cố gắng tìm những cách khác để giải tỏa cảm xúc ngoài việc đấm vào tường lúc cãi nhau vì chị cũng biết đây là một việc cũng khá tiêu cực. Tuy nhiên những cách khác đều không có tác dụng. Chị thường tự bấu bấu tay để giải tỏa áp lực, chứ không phải cố tình bấu để bầm hay bị chảy máu. (Minh, 21 tuổi)

Những câu chuyện trên, phần nào đã khắc hoạ bức tranh chân thực về cuộc sống của người nữ yêu nữ. Đó không phải chỉ toàn màu hồng của tình yêu mơ mộng mà đan xen những gam màu buồn của cuộc sống thực tế trong đó có bạo lực thể chất và điều chúng tôi mong muốn hạn chế phần nào những tổn thương không đáng có đó.

Dưới đây là một số biện pháp để hạn chế thương tổn khi xảy ra bạo lực thể chất:
👩‍❤️‍💋‍👩Tránh những hành vi khiêu khích đẩy bạo lực lên cao trào
👩‍❤️‍💋‍👩Tránh chạy vào những nơi không có lối thoát như góc nhà, góc bếp…
👩‍❤️‍💋‍👩Chuẩn bị sẵn một túi vật dụng như quần áo, tiền, giấy tờ tùy thân…để ở một nơi dễ lấy hoặc nơi tin cậy đề phòng bạn phải ra khỏi nhà.
👩‍❤️‍💋‍👩Nên nói chuyện với một ai đó bạn tin tưởng để có thêm sự giúp đỡ
👩‍❤️‍💋‍👩Trong trường hợp bạn bị họ gây thương tích, hãy tìm đến cơ quan pháp luật để được bảo vệ và tố cáo.
👩‍❤️‍💋‍👩Nếu muốn giải quyết dứt điểm, bạn nên trao đổi với một người có chuyên môn về bạo lực gia đình để tìm kiếm giải pháp hoặc có thể gọi đến số điện thoại tư vấn miễn phí của CSAGA 04.37759339.

CHUNG MỘT NHÀ, chuỗi bài viết truyền thông về cuộc sống chung giữa người Nữ yêu nữ. 

QUEER LÁ CẢI, trang tin cầu vồng cho mọi nhà ❤️

Leave a Reply