Vũ Kiều Oanh là người sáng lập, điều hành Trung tâm phát triển cộng đồng LGBT 6+. Chị sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, tốt nghiệp khoa Tâm lý học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Năm 2012, Oanh trở thành người đầu tiên đạp xe xuyên Việt Nam ủng hộ cộng đồng LGBT. Được cộng đồng gọi là “cô gái cầu vồng”, cho đến nay Oanh đã tham gia tổ chức nhiều dự án cho cộng đồng như Tôi Đồng Ý, Viet Pride Hà Nội, Kịch tương tác dành cho LGBTIQ, Queer In School, EVOL-LOVE (workshop về sức khỏe tâm trí dành cho các cặp đôi LGBTIQ), Radio Cầu vồng lục sắc (chương trình phát thanh đầu tiên chuyên về LGBTQ) hay dự án “Về nhà ăn cơm” (dự án về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là LGBTIQ)…

 

“Hình dung của chị về công việc này thời điểm trước đây và bây giờ quá khác nhau. Chị từng nghĩ rằng bản thân không liên quan đến LGBT và những việc chị đang tham gia là để ủng hộ, đóng góp cho cộng đồng. Nhưng bây giờ sau nhiều năm gắn bó cùng cộng đồng, chị nhận thấy những vấn đề của LGBT không chỉ là của người LGBT mà còn là vấn đề của chính mình: mình quyết định mình yêu ai, mình sống như thế nào, thể hiện như thế nào. Và đó cũng là những động lực để chị tiếp tục theo đuổi cuộc hành trình khám phá, học hỏi và trải nghiệm của chính mình.

Thời điểm khi thành lập 6+, bắt đầu có hướng đi độc lập, có định hướng riêng, khi đó chị bắt đầu gặp khó khăn nhiều hơn; phải xây dựng chiến lược hoạt động của tổ chức, tìm quỹ, tìm hoạt động, trau dồi chuyên môn cho chị và cả nhóm. Đó là khối lượng công việc rất nhiều, mất nhiều thời gian và phải đầu tư công sức lớn. Chị phải làm những việc đó bên cạnh việc đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống cho bản thân. Chị phải chịu trách nhiệm về nhiều thứ, ít dành thời gian cho bản thân mình và những “cơn thèm về nhà” luôn thường trực.

Chị quan niệm rằng, khi mình xác định một con đường đi lâu dài cho công việc này, nó sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của mình, liên quan đến giá trị, quan điểm sống của mình, trong quãng đường đó chị cũng thấy giá trị quan điểm của mình và giá trị, quan điểm của mọi người xung quanh có sự mâu thuẫn với nhau. Mọi người sẽ không hiểu vì sao chị cứ làm những việc này, chị hoàn toàn có thể làm một công việc ổn định hơn, thu nhập cao hơn. Câu chị hay nghe nhất là “Mình không phải là phụ nữ” bởi vì nếu là một bạn nữ sẽ không làm những công việc này, sẽ dành cho gia đình nhiều hơn, hoặc theo một chuẩn mực, khuôn mẫu nào đó mà xã hội cho rằng phụ nữ thì phải như thế. Mình càng theo đuổi các giá trị về tự do biểu đạt, trân trọng sự trải nghiệm của mỗi người thì chị càng cảm thấy mình không thể theo cái khuôn đấy nữa, chính việc đó làm cho chị thấy khó khăn hơn trong việc giao tiếp với người khác.

Khi mình thực hành sự tôn trọng đa dạng trong cuộc sống của mình, lúc đó chắc chắn sẽ có sự va đập với người khác, sẽ có căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí là nhận nhiều sự phản đối. Và bản thân càng cảm thấy khác biệt so với những người xung quanh. Nếu không đủ kiên trì, sẽ dễ thấy khó quá rồi bỏ đi. Nhưng sau suốt từng đó thời gian, chị vẫn tin rằng những điều mình đang theo đuổi là đúng đắn, có giá trị và xứng đáng để mình dành thời gian cho nó, vậy nên chị vẫn ở đây, tiếp tục công việc này và truyền lửa tới các bạn trẻ khác tiếp tục nâng cao nhận thức về LGBT và các vấn đề về giới nói chung. Con đường phía trước thậm chí còn dài hơn nữa, nhưng cũng đầy thú vị. Chị tin rằng, ích lợi của việc tiếp tục bước về phía trước là để điều chỉnh trí tưởng tượng với thực tế, và thay vì ngồi hình dung ra mọi chuyện, cứ đi để xem nó thực sự thế nào.”

Leave a Reply