Anh Trần Chí Thiện (Albus) sinh năm 1988 và chính thức tham gia hoạt động trong cộng đồng từ tháng 11/2007 thông qua diễn đàn Táo Xanh dành cho cộng đồng gay ở Sài Gòn. Anh từng làm cộng tác viên cho trung tâm ICS và hiện anh là phóng viên cho báo Một thế giới.

 

“Năm 2013, lúc đó anh làm cho Táo Xanh, thì báo Một thế giới thành lập. Thật ra tính đến thời điểm đó thì nó là tờ báo duy nhất (khác với trang tin điện từ) có chuyên mục dành riêng cho LGBT. Xét tới bối cảnh trong thời điểm đó thì truyền thông đưa tin về LGBT không nhiều đâu, theo kiểu tò mò hay theo góc nhìn của người ngoài cuộc. Lúc đó anh lại viết theo góc nhìn, suy nghĩ của người trong cộng đồng. Và anh tự tin mà nói là nó cũng ảnh hưởng một phần đối với những tờ báo khác khi mà họ phát hiện là cộng đồng LGBT họ khát thông tin đến như vậy, và nó bắt đầu mở rộng thông tin về tuyến LGBT. Cho đến tận bây giờ anh vẫn làm cho Một thế giới. Cũng có lên có xuống, nhưng tối bây giờ anh vẫn duy trì ở đó.

Ở thời điểm đó, bối cảnh đó, em không có người đi trước, em không biết đi thế nào cho đúng, nó có rất là nhiều trở ngại. Anh phải mày mò và anh không biết là nên khai thác như thế nào là đúng. Một mặt, khi họ cho em một chuyên mục, em phải đem view về cho họ, đó là về mặt công việc. Thứ hai, anh không có người đi trước để hỏi. Nó không phải như làm ở agency hay media, nó rất là bảo thủ. Và anh không phải là làm báo, anh là một activist (nhà vận động quyền). Anh xuất thân là một activist và chỉ vô tình cái tính cách anh “hơi” năng động, dễ dàng làm báo hơn nên khi đó Sas mới giới thiệu anh. Dĩ nhiên là anh sẽ không nói anh làm đúng với tất cả những tiêu chí anh đã đặt ra, anh cũng có làm sai, nhưng ít nhất anh bảo vệ được chính kiến của mình và anh không hối hận.

Có 1 đợt, bạn Yanbi Tuấn Anh là 1 ca sĩ ngoài Bắc đăng dòng status như thế này: “Cộng đồng LGBT hủy hoại Việt Nam” (10/2014). Đó là phát ngôn được cho là mang tính cá nhân nhưng anh suy nghĩ lại thì đây làm sao gọi là phát ngôn cá nhân được? Facebook là 1 trang công cộng, và đăng bài với chế độ “Public” trên đó cũng như em đang đi ngoài đường tự nhiên có người la lên “Ê, đồ bê đê”. Em có coi đó là phát ngôn cá nhân không? Không, đó là sỉ nhục. Sau đó anh mới đăng một loạt bài, thì lợi thế là view lên rất cao, mấy ngàn người truy cập cùng một lúc. Cái hay ở sự kiện đó chính là nó không dùng từ đồng tính, mà nó dùng từ LGBT. Có nghĩa là nó đã biết, nên anh lợi dụng tình thế đó. Lúc đó báo chí rất không đồng tình với việc lấy status của nghệ sĩ làm báo, vì phát ngôn trên Facebook mang tính cá nhân. Nhưng mà anh biết nó có view. Có rất nhiều người ghét và họ sẽ chia sẻ lại bài viết đó, nó sẽ lan tỏa. Có những người trong cộng đồng chửi mắng anh nhưng anh không quan tâm, cái anh cần là dòng sự kiện. Rõ ràng, 3 ngày sau, cái keyword LGBT trở thành trend trên Google search. Đó là một trong những lần đầu tiên anh đi ngược lại với quan điểm của những người trong cộng đồng.

Do không có người đi tiên phong, anh buộc phải tự nghĩ ra hướng đi cho mình. Phải phân biệt rõ là một chuyên mục viết cho người LGBT thì mình phải nắm rõ người đọc là ai. Anh nhận ra là khi làm truyền thông có một thực tế phũ phàng: dù cho có gán ghép LGBT đến mức nào thì nó cũng là một chính thể lớn với nhiều cộng đồng nhỏ (nói nhỏ chứ cũng khá nhiều).Từ bản dạng giới, cách sống, nhìn nhận,…nó khác nhau hoàn toàn. Cho nên, anh có chia sẻ với những người trong ICS là thật ra những gì mình làm được trong 10 năm qua, từ những ngày đầu anh chứng kiến sự chuyển mình của phong trào LGBT, giống như 1 tảng băng mà mình mới chà đi lớp mặt đầu, cái cốt lõi nó vẫn nằm đó.

Thật ra bức tranh LGBT Việt bây giờ nó rất khác với cách đây 10 năm: tụi anh không hề biết đến chữ LGBT, nó là những diễn đàn riêng biệt với nhau, thậm chí người đồng tính còn ghét chuyển giới… Nó là một bối cảnh hoàn toàn khác. Và khi anh làm anh cảm thấy nó rất là ý nghĩa. Mặc dù cô độc thật, nhưng những gì ICS làm lúc đó theo anh nghĩ là mang tính tiên phong. Nó cho em cảm giác rất là tự hào. Lúc đó anh dễ khóc lắm. Em cứ tưởng tượng em sống trong một cái bối cảnh mà ai cũng kỳ thị em, cảm giác rất là lo sợ. Em cứ nghĩ đi cách đây 10 năm, làm gì có cái gọi là quyền cho người đồng tính. Cái bối cảnh thế giới nó cũng khác nữa. Các công cụ để em truy cập thông tin, Internet cũng rất ít. Và tụi anh sợ, nhưng tụi anh làm.

Lúc đó tụi anh tổ chức triển lãm tranh đồng tính đầu tiên ở SG. Không có tranh để triển lãm, anh phải đi chụp. Anh phải nhờ mấy bạn bên Táo Xanh ra mấy quán cà phê để chụp, rồi năn nỉ chỗ này chỗ kia, và nó chẳng mang tính nghệ thuật gì hết. Anh và anh Bình iSEE chính là người đọc phát biểu khai mạc triển lãm đó. Anh tham gia 10 năm, chỉ có 2 lần anh khóc. Anh tham gia 10 năm, chỉ có 2 lần anh khóc. Đó là cuối ngày khai mạc triển lãm Mở (2009-2010). Anh phát hiện có 1 đứa nhỏ chỉ khoảng năm nhất thôi. Nó ở đó lúc khai mạc xong đến 9-10h tối quay lại vẫn thấy nó ngồi đó dù anh đang đóng cửa. Anh mới hỏi tại sao thì nó nói là “em thích ngồi ở đây lắm. Em ở dưới quê, nhiều người kỳ thị em lắm. Họ chọc em pê đê hoài, mà ở đây hông ai chọc em hết, em cảm giác như em được bảo vệ.” Nó nói vậy đó, giọng miền Tây mộc mạc. Rồi nó xách xe đạp đi về. Anh nhìn theo nó mà anh khóc, vì cảm nhận của nó cũng là cảm nhận của anh. Anh cảm giác ngày hôm đó anh đứng trước cái chòi tồi tàn, nhưng anh thấy mình được bảo vệ. Chính cảm xúc đó khiến anh có động lực để anh tiếp tục làm. Lúc trước anh nghĩ thôi mình đừng làm, để người khác làm rồi mình hưởng cũng được. Nhưng mà, chờ ai? Chờ ai trong khi dòng chảy đặt mình vào địa thế đó?”

Leave a Reply