Chị Nguyễn Hải Yến làm quản lý chương trình xây dựng cộng đồng và xây dựng chương trình phát triển năng lực của cộng đồng các nước của ASEAN SOGIE CAUCUS. Chị làm quản lý diễn đàn bangaivn.net và tham gia tiến trình vận động quyền LGBTIQ từ những ngày đầu tiên.

 

“Diễn đàn bangaivn.net xuất phát từ cộng đồng đồng tính nữ hải ngoại. Giai đoạn đầu những năm 90, ở bên Mỹ có nhóm cộng đồng người Mỹ gốc Việt và họ có cộng đồng omoi.org dành cho cộng đồng đồng tính nữ, song tính nữ, chuyển giới nam. Từ trong nhóm diễn đàn này cũng có người lập các diễn đàn online, hồi đấy có một chị có nickname là bangaivn lập ra diễn đàn bangaivn.net và có một chị khác lập ra diễn đàn vietsis.net. Song không hiểu rui rủi thế nào thì hai người này gặp gỡ nói chuyện với nhau và quyết định hợp nhất hai diễn đàn lại. Và thế là diễn đàn bangaivn.net ra đời vào năm 2003. Năm 2004 mình mới biết đến nó. Trong thời gian đó cũng có xuất hiện nhiều diễn đàn cộng đồng đồng tính nữ, đồng tính nam như boyvn, vuontinhnhan, tinhyeutraiviet, tao xanh,.. Đến năm 2004 ta mới biết đến diễn đàn. Thời gian đầu mình làm thành viên, sau đó được mọi người tín nhiệm cử lên làm quản trị. Hồi đấy trong diễn đàn còn có những forum chỉ chuyên để chat, và trong đó có nhiều chatroom khác nhau rồi hẹn nhau ngày đấy giờ đấy lên để nói chuyện với nhau. Mọi người kể rất nhiều chuyện như “hôm nay trời đẹp, tôi đi đâu, làm gì,..” hoặc “để mình hát cho nhau nghe nha”, này nọ nọ kia vui lắm. Hồi đấy không có kiểu cua nhau đùng đùng như bây giờ. Trẻ con ngây thơ không biết gì mà. Mình nhớ có những buổi chiều ngồi nói chuyện trên Paltalk với nhau, người này người kia, đi ra đi vào chào hỏi ý ới nhau tại vì nó giúp cho mọi người cảm thấy không gian kết nối về mặt địa lý bị xóa nhòa đi. Rồi đến năm 2007 hay 2008 không nhớ rõ thì mình bắt đầu quản lý diễn đàn nhưng thời gian đó cũng là giai đoạn rất ít người. Có những lúc mình cảm thấy chỉ có một mình bản thân gánh diễn đàn, nhưng cũng có các bạn khác tranh thủ hỗ trợ mình được lúc nào hay lúc đấy.

Rồi vào khoảng tháng 11/2008, tổ chức iSEE bắt đầu kêu gọi những admin của các diễn đàn tụ họp lại. Mọi người gặp mặt nhau, họp bàn kế hoạch. Trong buổi họp còn có sự tham gia của chị Tạ Bích Loan, một trong những người có uy tín trong báo chí . Mình cũng chỉ biết thế thôi vì bản thân không phải là người đi họp buổi đầu tiên mà là một bạn khác, bạn ấy đi về kể lại nên chỉ biết thế thôi. Bản thân mình lúc đó cũng đầy dè dặt, ngờ vực vì không biết họ có phải là bên nào cử tới để truy xem cái tụi đồng tính là tụi nào không. Sau đó vào cuối năm 2008 đầu năm 2009, mình bắt đầu tham gia vận động tiến trình, và cũng là thời gian mình tham gia ICS. Tất cả thành viên ICS thời điểm đấy đều đang làm một công việc khác mà không liên quan đến lĩnh vực phi chính phủ. Ban ngày mọi người đi làm, đến tối lại làm việc với nhau. Có những thời gian ICS đi làm việc thì mọi người cứ suốt ngày nói dối người này người kia, nói dối công ty nay ốm mai đau để trốn đi vì có công khai đâu. Chính mình khi làm việc cũng phải vượt qua nỗi sợ của bản thân, khi mà không hề có ai biết mình là người trong cộng đồng, gia đình, bạn bè không biết, công sở càng không được biết. Mình đi làm mà cứ phải giấu giấu diếm diếm, lỡ đâu có ai nhìn thấy, rồi mình bị lên báo, rồi mình không được đi làm nữa. Mối quan tâm của cộng đồng hồi đấy cũng chỉ có quyền được kết hôn, tức là những câu chuyện của người chuyển giới lúc ấy không hề có, quyền học tập, những vấn đề liên quan đến sức khỏe hay việc làm cũng không được nhắc tới. Thách thức lớn thời điểm ấy ta nghĩ là việc tìm tiếng nói chung giữa cộng đồng đồng tính và chuyển giới. Thời điểm ấy cũng có một nhóm các bạn chuyển giới quyết định rời khỏi ICS mà cũng xuất phát từ rất nhiều cái quan điểm mà đến thời điểm này khi nhìn lại thì mình nghĩ các bạn cảm thấy tiếng nói của các bạn, vai trò của các bạn không được tham gia trong việc ra quyết định. Và cái giai đoạn mà ta nghĩ cũng là giai đoạn quan trọng là sự ra đời của diễn đàn các bạn chuyển giới nam: Transguy VN vào khoảng năm 2010. Trước đấy thì có rất nhiều các bạn chuyển giới nam tham gia vào diễn đàn các bạn đồng tính nữ mà không tìm thấy được cộng đồng của mình ở đấy cũng như những vấn đề mà mình quan tâm cũng không được đề cập đến. Đối với báo chí cũng có rất nhiều khó khăn khi mình làm việc một kiểu thì báo chí về viết một kiểu mà đôi khi còn mang theo những định kiến ngầm. Rồi những trường hợp sử dụng ảnh không có sự đồng ý chẳng hạn, mà có khi còn bị đánh mặt caro. Hồi xưa ấy, cái từ “lên báo” là một điều rất kinh khủng mà đa số mọi người đều rất sợ hãi. Những ngày đầu cũng đã định hướng rất rõ ràng là để tạo ra cái cơ hội có thể hoạt động được thì thế nào cũng phải giữ một cái thông điệp để cho bên chính quyền thấy mình không phải đang làm một cái gì đấy để gây hại mà đang làm một thứ mà lẽ ra đó là cái việc mà họ làm, mọi người làm, mà họ đã không làm thì mình sẽ điền vào chỗ trống ấy.”

Leave a Reply