Theo cách hiểu thông thường, từ “queer” mang ý nghĩa chỉ tất cả những gì mang tính thiểu số, đôi khi là “lệch chuẩn” so với tập thể số đông.

Từ “queer” vốn bắt nguồn từ tiếng Đức cổ “quer” mang nghĩa “kỳ dị, khác biệt” và du nhập vào ngôn ngữ tiếng Anh từ đầu thế kỷ 16. Tới cuối thế kỷ 19, từ “queer” dần được sử dụng để nói tới sự biến thái về tình dục, ám chỉ những người đàn ông nữ tính hay có quan hệ tình dục đồng giới và dần trở nên phổ biến vào thế kỷ 20 với ý nghĩa tiêu cực. Vào những năm 1960, từ “queer” được sử dụng để miệt thị, bài xích những người chuyển giới hoặc không theo chuẩn giới thông thường. Có thể nói, từ “queer”, cùng với từ “faggot” (nghĩa tương đương với từ pê-đê trong tiếng Việt) là những cụm từ mang tính kì thị và tổn thương rất lớn đối với cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, tới cuối những năm 1980, cộng đồng LGBT ở Mỹ đã bắt đầu có những hành động để giành lại từ “queer” cho chính cộng đồng mình. Từ “queer” khi đó trở thành một thứ “vũ khí” chính trị của cộng đồng LGBT để chống lại sự thù ghét, kì thị, đồng thời được hiểu như một hành động tự trao quyền và giải phóng cho chính mình. Vào tháng 6 năm 1990, tổ chức Queer Nation đã đi dán tờ rơi kêu gọi cộng đồng với tiêu đề “Queers Read This” (tạm dịch: “Những người queer hãy đọc đi”) có trích đoạn như sau:

“Ôi, chúng ta có thật sự phải dùng từ này không? Từ này đúng là gây tranh cãi, khi mỗi người trong cộng đồng chúng ta lại có một cách hiểu khác nhau. Nhiều người hiểu nó theo nghĩa “kỳ lạ”, “khác biệt” và đôi khi là “bí ẩn” […] Với nhiều người khác, từ “queer” lại gợi nhắc tới những kỷ niệm đau đớn thời niên thiếu […] Phải, từ “gay” rất hay, và thực sự có vị trí rất đặc biệt. Nhưng với nhiều người đồng tính nam và đồng tính nữ khi thức dậy, họ chỉ cảm thấy tức giận và khinh bỉ, họ không cảm thấy “gay”. Thế nên chúng ta gọi bản thân mình là “queer”. Dùng từ “queer”, là ta đang tự nhắc nhở bản thân về việc xã hội đối xử với chúng ta ra sao.”

Sang tới Việt Nam, từ “queer” dường như đã giảm bớt tính giận dữ và chính trị ban đầu của mình. Từ “queer” lần đầu xuất hiện ở Việt Nam được ghi nhận ở văn bản có lẽ vào tháng 8/2013, khi CCIHP (Trung tâm sáng kiến sức khoẻ và dân số) cho ra mắt cuốn Tình Dục Văn Hóa và Xã hội, trong đó từ “queer” cũng xuất hiện chính thức trong sách. Cuối năm này, CCIHP tiếp tục tài trợ Queer Forever! cho anh Nguyễn Quốc Thành làm tại Nhà Sàn Collective và cùng bàn việc tổ chức rất nhiều các buổi nói chuyện. Trong đó, có bài nói chuyện của Trần Ngọc Hiếu cũng được đăng trên một số báo, cụ thể là tạp chí Tia Sáng xuất bản năm 2014 với bài báo “Văn học queer” của Trần Ngọc Hiếu, từ “queer” được tạm dịch là “đồng tính luyến ái”, dù tác giả cũng chú thích rằng đây không phải cách dịch chính xác. 

Trong tác phẩm “Đồng tính thì đã sao?” của tác giả Eric Marcus viết năm 2007, được dịch và xuất ở Việt Nam vào năm 2014 bởi dịch giả Bùi Thanh Châu, từ “queer” được dịch là “giới tính thiểu số”. Tác giả giải thích cách dùng từ “giới tính thiểu số” như sau: “Bạn không cần định nghĩa và nhãn hiệu. Bạn là chính bạn. Bạn không cần gọi nó là gì cả. Đó là khi tôi dùng tới chữ “giới tính thiểu số.””

Trong thời gian gần đây, từ “queer” bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng LGBT ở Việt Nam với nghĩa tích cực, bắt nguồn từ sự phổ biến của bộ phim “Queer As Folk” (bản Anh 1999, bản Mỹ 2005) và của mạng xã hội Tumblr cùng với những tài liệu, văn bản nước ngoài về cộng đồng LGBT. Ngoài ra, việc thành lập của tổ chức Queer Forever! Cũng đã đóng góp rất nhiều trong việc phổ biến của từ này, như là một nỗ lực nhìn sự đa dạng giới và tính dục nằm ngoài các diễn ngôn về quyền.

Hiện tại, tuy chưa có từ tương tự trong tiếng Việt, từ “queer” vẫn đang dần trở thành một từ lóng thông dụng dùng để chỉ các xu hướng tính dục và bản dạng giới thiểu số. Tuy còn nhiều tranh cãi về độ nhạy cảm khi sử dụng, từ “queer”, tương tự với tính chất tự do và giải phóng ở bên Mỹ, dường như đi kèm với sự phá bỏ chuẩn nhị nguyên hai giới (nam – nữ), đồng thời tôn vinh sự đa dạng của tính dục của cộng đồng LGBT.

Nguồn:

Oxford English Dictionary, 2014

Tờ rơi “Queers Read This”, 1990, tổ chức Queer Nation

Đồng tính thì đã sao?, 2014, dịch giả Bùi Thanh Châu

Văn học queer, tạp chí Tia Sáng, 2014, Trần Ngọc Hiếu

Từ điển Anh – Anh – Việt, 2016, Lâm Quang Đông

Leave a Reply