Nguồn gốc của từ “bóng” vẫn còn gây tranh cãi bởi những tầng lớp nghĩa đa dạng của nó. Có một số lý giải cho rằng, từ “bóng” xuất phát từ cụm “cái bóng”, ám chỉ phần còn ẩn khuất trong mỗi con người. Những người nào để “lộ” ra “phần ẩn khuất” bên trong mình, tức hành xử trái với những chuẩn mực về giới nhất định sẽ bị coi là “bóng lộ”. Một số người lại cho rằng, “bóng” được sử dụng như một tính từ chỉ sự “bóng bẩy”, chải chuốt của một con người, một cách mặc định về thể hiện giới của cộng đồng LGBT.
Tuy nhiên, theo cách hiểu phổ biến nhất, từ “bóng” bắt nguồn từ cụm “đồng cô bóng cậu”. Theo Từ điển tiếng Việt phổ thông, xuất bản năm 1975 của tác giả Hoàng Phê, “bóng” được hiểu là “hồn người chết hiện về, nhập vào xác người nào đó (theo quan niệm mê tín).” Và “đồng bóng” là “người ngồi đồng, ngồi bóng” (Việt Nam tân từ điển, 1951). Trong đạo Mẫu, việc lên đồng thường mang đậm tính sân khấu như việc đảo trang (ăn mặc khác giới) hay vượt qua những rào cản về giới tính. Dần dần, từ “bóng” trở thành tiếng lóng miệt thị những người đảo trang và ngầm hiểu là đồng tính trong tiếng Việt hiện đại. Tuy nhiên danh xưng “bóng” (chỉ hình bóng phản chiếu trong gương của vị thánh đang nhập đồng) đã được cải biến đôi chút từ nghĩa gốc “bóng cậu” để chỉ các bà đồng cải nam trang theo căn các các cậu Hoàng, thành tiếng lóng đại trà để chỉ những người đồng tính nam ẻo lả, viết tắt từ “bóng lại cái” là một biến thức mang đặc thù giới tính rõ rệt hơn. (talawas.org)
Nhiều người địa phương cho rằng từ “bóng” cổ xuất hiện từ thập niên 90 – 2000 ở miền Nam và miền Tây để chỉ những người đồng tính nam hoặc những người đàn ông nhưng thể hiện giống nữ giới (ví dụ như các cô đào ở gánh hát Lô Tô). Sau khoảng thời gian này, từ “bóng” không được cộng đồng ưa chuộng vì họ cho rằng những người dị tính sử dụng từ này để giễu cợt và kì thị họ. Mãi cho đến giai đoạn mạng xã hội bùng nổ như Zing Me, Facebook… thì từ “bóng” được “khai quật” trở lại với mục đích thân thiện hóa và nhẹ nhàng hóa công khai xu hướng tính dục của bản thân.
Mở rộng hơn, ngày nay, người ta có thể sử dụng từ “bóng” để nói về gay, transsexual, transgender, drag queen, hay bất cứ người nào được nhìn là nam giới nhưng không thể hiện đúng chuẩn mực nam tính trong cách ăn mặc, đi đứng, ăn nói, hay mối quan hệ dị tính (…) (Tuyền từ queer).
Nguồn:
Từ điển tiếng Việt phổ thông, 1975, Hoàng Phê
Việt Nam tân từ điển, 1951
talawas.org
Tuyền từ queer