Chị Phạm Quỳnh Phương là Tiến sĩ Nhân học Văn hóa và PGS ngành Văn hoá học. Chị làm việc tại Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH) và đã cộng tác với Viện nghiên cứu ISEE trong nhiều nghiên cứu. Năm 2012, chị thực hiện nghiên cứu đầu tiên về người chuyển giới tại Việt Nam, và sau đó chị đã tiến hành nhiều nghiên cứu khác về cộng đồng LGBT.
“Nghiên cứu về người chuyển giới vào năm 2012 là một sự ám ảnh lớn với chị. Bởi thật ra hồi đấy là chị đang mang bầu, sắp sinh, mà chị vẫn còn đi thực địa ở trong thành phố Hồ Chí Minh.
Lần đầu tiên chị nhận thức được rằng cuộc sống của những người chuyển giới khúc khuỷu quá, nhiều nỗi đau quá… Từ chuyện họ bị kỳ thị, nhục mạ, thậm chí bị đánh như thế nào, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, cho đến công việc làm khó khăn ra sao. Họ phải đi hát đám ma kiếm tiền, hay phải đi làm gái đứng đường. Có bạn kể nhiều hôm không có khách, đói quá, phải bẻ nửa gói mì tôm rồi uống nước cho đầy bụng. Thực sự những câu chuyện ấy khá ám ảnh đối với chị. Chị vẫn nhớ sau đó khi chị trình bày tại hội thảo về khát vọng của người chuyển giới, có một cô cán bộ nhà nước chạy ra nói với chị: “Lần đầu tiên tôi đi một cái hội thảo mà tôi thấy xúc động như thế.” Lúc đấy chị cũng đang mang bầu nên rất dễ cảm xúc, nên chắc chị truyền cái cảm xúc ấy đến cho người nghe.
Cái ngày chị nghe tin Quốc hội bấm nút thông qua luật về người chuyển giới tính, chị đang đứng trong bếp, đọc tin ấy trên facebook, thực sự chị trào nước mắt. Chị khóc cũng vì vừa biết tin một trong những người chị đã phỏng vấn ở thành phố Hồ Chí Minh qua đời vì tự tiêm hoóc-môn quá liều. Lúc đó chị chỉ nghĩ: “Giá mà chị ấy còn sống, chị ấy được chứng kiến ngày này…”, vì chị nhớ chị ấy đã nói những câu nói khá bi quan khi được phỏng vấn. Chị ấy nói: “Những cái người như bọn chị sẽ chẳng bao giờ được công nhận đâu. Bọn em có làm việc, có làm nghiên cứu thì cứ làm thôi, chứ còn chẳng bao giờ xã hội này công nhận bọn chị đâu.” Chị ấy hồi đó đã ngoài 50, sống một cuộc đời gian truân, nhưng chấp nhận, và vẫn rất là hồn nhiên.
Đó cũng là một cái kỉ niệm đối với người làm nghiên cứu như chị. Các nghiên cứu hàn lâm, học thuật chị làm trước đây thì thường cũng chỉ để đó, ít có tác động gì đến xã hội. Nhưng từ khi chị tham gia nghiên cứu với iSEE và cộng đồng thì chị càng ngày càng nhận ra vai trò của nhà nghiên cứu đối với xã hội. Việc Quốc hội thông qua cũng là kết quả của cả một cái tiến trình nỗ lực của cộng đồng và của nhiều bên, nhưng có lẽ cái nghiên cứu của chị, những sự xúc động của những người ngồi nghe hội thảo ngày hôm ấy, trong đó có những người làm chính sách, cũng có thể là góp phần nào đó tạo nên sự thay đổi đó. Nên lúc nghe tin, chị cũng có một chút chút cảm giác tự hào nào đó: “À, hóa ra cái nghiên cứu đấy cũng có thể tạo nên một sự thay đổi trong xã hội. Mỗi sự đóng góp nho nhỏ mà mỗi người mang lại có thể tạo nên những sự thay đổi lớn.””