Nguyễn Thanh Tâm hiện đang làm nghiên cứu tại Hà Lan. Chị là người khởi xướng VietPride và tham gia tổ chức Pride từ năm 2012 đến năm 2016.

 

“Lần đầu tiên khi tham gia Stockholm Pride, nhìn cả thành phố chìm trong không khí Pride, mình đã rất ngạc nhiên, xúc động và quyết định đem Pride về Việt Nam với mong muốn sẽ gây sức ảnh hưởng lớn đến trong cộng đồng và ngoài xã hội. Mình quyết định nghỉ việc tại Singapore và về Việt Nam tập trung cho dự án. Lúc đó tuổi trẻ sôi nổi, không nghĩ gì nhiều về tiền bạc, mình chỉ xác định điều gì là quan trọng nhất đối với mình. Thì năm đó, điều quan trọng nhất đối với chị là chị muốn nhìn thấy sự hiện diện cộng đồng LGBT tại Việt Nam và muốn có nhiều sự tôn trọng và cởi mở từ xã hội. Trong khả năng của mình thì mình có thể làm được việc này thì mình xác định mình sẽ làm dù nó không phải việc mang lại cho mình nguồn thu nhập ổn định. Trước đó thì mình đã để dành số tiền đủ dùng cho 1 năm ở Việt Nam trong suốt 2 năm đi làm ở Singapore. Mình quyết định về Việt Nam và đến HN và sống bằng tiền đó, đôi khi cũng có làm một số việc nho nhỏ để có thu nhập như đi dịch bài. Mình tìm hiểu và tham gia vào tổ chức CSAGA cũng như gửi dự án đến CSAGA và các nhà tài trợ để xin tài trợ. Lúc bắt tay vào làm, mình mới thực sự không biết tổ chức ra sao, giấy phép phải xin như thế nào, hay phải làm sao để cộng đồng cảm thấy an toàn. Khi đề cập việc tổ chức Pride với nhà tài trợ, ai cũng hoang mang có làm được ở Việt Nam hay không. Có rất nhiều nơi họ từ chối vì không thể hình dung được diễn ra sẽ như thế nào. Cuối cùng, mình nhận được tài trợ từ ba nơi: Viện Goth, UNWOMEN và Đại sứ quán Thụy Điển. Và có thêm CSAGA hưởng ứng nữa, vậy là mình làm. Hồi đấy, sự kiện cũng chỉ truyền thông qua các trang phổ biến của cộng đồng như bangaivn.net, Táo xanh, Gayout,.. Mọi người đọc thông tin và rất thích thú nhưng lại sợ bị lộ. Khi đó, mọi người trên các forum đã cùng thảo luận với nhau xem tổ chức ra sao cho hợp lý, tìm ra các giải pháp để không lộ nhưng có người vẫn sợ. Lúc ấy, có một nhóm các bạn tên là Động lực trẻ đã tích cực đăng tin, trả lời câu hỏi và giải thích tính chất sự kiện cho các bạn còn chưa hiểu. Bên cạnh cộng đồng thì mình cũng rất căng thẳng về mặt chính quyền. Lúc đó, tụi mình cũng không rõ ràng là có nên xin hay không, có xin không cho thì có tổ chức hay không. Rồi công tác liên hệ với báo chí để đưa tin sự kiện cũng rất khó khăn khi họ không mặn mà với chủ đề này. Nếu có người muốn đưa tin thì mình cũng phải mất phí cho họ từ 500 ngàn, 700 ngàn tới 1 triệu. Nhưng đến ngày sự kiện diễn ra thì mọi chuyện khá suôn sẻ. Các bạn tham gia gần 300 người. Phản ứng từ phía xã hội cũng tích cực chứ không như mình tượng tưởng trước đó. Mọi người đa phần không hiểu đây là gì, có người chạy lại tới hỏi thì mình cũng giải thích sự kiện Pride là gì, LGBT là gì. Đó cũng là cơ hội tốt. Báo chí thì họ ào ạt đưa tin, chị cũng không phải làm gì nhiều. Người viết bài, quay phim, viết phóng sự. Mình nghĩ có thể thay đổi đó là do báo chí nước ngoài ảnh hưởng tới. Vì khi đó có cô ở thông tấn xã Đức viết bài về sự kiện và sau khi cô này đưa bài lên thì đồng loạt các hãng thông tấn nước ngoài đưa tin dồn dập về sự kiện này. Tất cả những điều đó tác động đến báo chí Việt Nam cảm thấy họ cần phải tham gia và họ trở nên tích cực hơn. Mình nghĩ điều này thay đổi cách nhìn về sự kiện này, văn hóa đưa tin về LGBT cũng thoải mái hơn. Mình không cần phải quá thuyết phục, họ tự nhìn tự biết đâu là cái họ cần.

Năm thứ hai có một sự thay đổi lớn là tách ra khỏi NGO,. Vì năm đầu tiên vẫn mang danh nghĩa là sự kiện của NGO, nhận tiền tài trợ thông qua CSAGA. Nhưng năm thứ 2, mình nghĩ là Pride nó khác với các hoạt động LGBT khác ở chỗ nó bao quát hơn và nó không nên được xem là sở hữu của riêng NGO nên thành ra để nó được hiểu là hoạt động của NGO và trong nội bộ NGO đưa ra các quyết định then chốt thì mình thấy không hợp lý nên mình muốn tách rời ra, độc lập về tài trợ và có tiếng nói cộng đồng nhiều hơn trong Pride. Lúc đó phản ứng của NGO là họ không vui, còn nhà tài trợ thì họ nhìn phản ứng của NGO mà họ quyết định họ làm như thế nào. Cái đây chuyền phản ứng đó làm cho việc tổ chức nó rất khó khăn. Thời điểm ấy mình nghĩ: “Hay thôi mình đừng có cố sống cố chết mà thực hiện PRIDE, để nó thuận theo tự nhiên, nó muốn xảy ra thì nó xảy ra, không thì nó không”. Một mặt mình nghĩ như vậy, nhưng một mặt thì mình nghĩ sự việc nó không nên như vậy. Những người mà lẽ ra nên ủng hộ, nên có một cái ứng xử khác khi mình đề nghị chuyển Pride từ một sự kiện của NGO sang của cộng đồng. Trong lúc đang vừa giằng xé mà vừa buồn, thì tổ chức Civil Right Defender gặp chị ở VN, mình kể họ nghe sự việc và họ quyết định ủng hộ mình. Lúc đó mình nghĩ có nhiều làm nhiều, có ít làm ít chứ sự kiện này cũng đâu có tốn kém gì đâu. Viện Goth thì họ hỗ trợ địa điểm rồi, phần còn lại phụ thuộc vào cộng đồng thôi. Mình quyết định làm cái thứ hai. Năm đó cũng là năm khuôn khổ mở ra so với năm trước, số lượng người tham gia lên đến gần 800 người. Mình thấy thực sự Pride là của cộng đồng, có chỗ đứng trong cộng đồng và mình tin chắc chắn về điều đó khi nhìn sự kiện Pride năm 2014.”

Leave a Reply