Cô Đinh Thị Yến Ly (thường gọi là mẹ Ly) là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Phụ Huynh và Người Thân Của Cộng Đồng LGBT Việt Nam (PFLAG Việt Nam) và hiện là Chủ tịch hội. Kể từ khi gia nhập vào năm 2013, cô đã tích cực đóng góp vào các phong trào ủng hộ cộng đồng LGBT như Tôi Đồng Ý hay Viet Pride. Cô cũng dành nhiều tâm sức để tư vấn, vận động các phụ huynh khác cùng tham gia và ủng hộ con em của mình. Con cô là anh Nguyễn Đăng Khoa (Teddy) hiện là giảng viên trường Đại học HUTECH và thường tham gia hỗ trợ mẹ Ly trong các hoạt động cộng đồng.

 

“Ted chính là cầu nối cho cô với PFLAG. Vì trong thời gian cô còn phản đối Ted thì Ted đã là TNV của ICS.” (Cô Ly

“Ngày xưa ICS hình thành dựa trên các diễn đàn gom lại với nhau, lúc đó là 2008. Lúc đó anh đang tham gia 1 diễn đàn nên cũng tham gia ICS luôn, và anh làm CTV với bên đó đến tận bây giờ.” (Anh Ted)

“Thật ra lúc đầu cô rất là chơi vơi, muốn tìm một lối ra cho con mình và chính mình nữa. Thời điểm đầu (tham gia PFLAG) thì cô không nhận được sự hợp tác của chú vì chú dường như muốn trốn chạy khỏi cái sự thật này. Nên thời điểm đó cô rất là tuyệt vọng. Lúc đó truyền thông, báo chí, xã hội, khi nhắc đến cộng đồng này thì toàn những lời tiêu cực. Cái cách người ta dùng từ cho cộng đồng này đã làm cho những người bố, người mẹ cảm thấy sợ. Thật sự những điều đó đã gây áp lực rất lớn lên cô. Giờ đây dù đa số các bạn đã được sống thoải mái thì sức ép từ nhiều phía lên bố mẹ không phải đã giảm đi.

Bên nhà cô thì bà ngoại Ted là người ủng hộ Ted đầu tiên. Tiếp theo đó là những buổi hội thảo, cà phê với ICS. Trong đó Sas (Huỳnh Minh Thảo) cũng tâm tình rất nhiều, nói về Ted rồi về những hoạt động của ICS. Và Sas nói Sas muốn mời cô tham gia một số hoạt động dành cho cha mẹ. Những hoạt động sau cô gặp thêm anh Tùng, chị Yến và các bạn trong ICS thì cô thấy các bạn rất là dễ thương. Các bạn có kiến thức, có học thức, không giống với những gì xã hội đã nói về cộng đồng này là những thành phần không tốt. Ấn tượng đó cũng làm cô yên tâm hơn về con mình.

Nói một tí nữa là tại sao cô lại sửa đổi chương trình “Hiểu về con” thành “Hiểu về nhau”. Vì cô đi nhiều và tiếp xúc nhiều với cộng đồng, đa số các bạn không hiểu cho bố mẹ mình. Để chấp nhận được tụi con bố mẹ cũng phải trải qua rất nhiều rào cản, dằn vặt, đau khổ… Làm sao 30 năm trước cô hình dung ra mình sinh con là 1 đứa bé trai mà khi lớn lên nó lại không yêu con gái? Cũng sốc lắm chứ. Chính vì thế các bạn phải tạo cho bố mẹ sự tin tưởng để bố mẹ mạnh dạn thừa nhận mình.” (Cô Ly)

“Bởi vậy bất cứ mối quan hệ nào, trừ gia đình, anh cũng không gặp vấn đề. Gia đình là cái em không thể bỏ được dù như thế nào nên đó là rào cản duy nhất cần phải vượt qua.” (Anh Ted)

Leave a Reply