Từ LGBT có lẽ là một trong những cụm từ phổ biến nhất khi nhắc tới cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới ở Việt Nam, có lẽ bởi khái niệm này được du nhập vào khoảng năm 2007 từ phương Tây cùng với thời điểm internet với rất nhiều thông tin mới mẻ. Bản thân những người đi đầu của phong trào lúc đó cũng muốn tận dụng cơ hội này để nâng cao nhận thức xã hội bằng cách sử dụng một cụm từ mang khái niệm sạch, trung tính, không có gốc rễ trong ngôn ngữ Việt nên không mang tính miệt thị (khác tới các từ pêđê, bóng, cong…). Chính động thái này đã tạo ra một văn hoá, một “danh tính” mới cho cộng đồng ở Việt Nam, vừa tách cộng đồng ra khỏi những ngôn từ mang đặc tính kỳ thị kia, vừa phổ cập kiến thức về sự đa dạng tính dục cho xã hội.

Dù mang tính khoa học và chính xác hơn những cụm từ Việt Nam như vậy, không phải nhóm nào cũng sử dụng cụm LGBT này. Nhiều nhóm cho rằng cụm từ này mới mẻ và “tây” quá, không phù hợp để sử dụng (ví dụ như nhóm người LGBT lớn tuổi, nhóm tín ngưỡng, một số nhóm nghệ thuật không dùng từ LGBT,…).

Một điều thú vị về cụm từ này là tranh cãi về việc sử dụng nó đúng cách. Nhiều người cho rằng từ LGBT vừa thừa vừa thiếu, không thể bao hàm hết được sự đa dạng của cộng đồng. Do đó, trong những năm gần đây, khi có thêm nhiều nhãn mới được cộng đồng sử dụng, cụm từ LGBT vì thế cũng thay đổi dần sang LGBTI (I – intersex, người liên giới tính), LGBTQ (Q – queer), LGBT+, v.v. Chính điều này cũng gây khó hiểu cho những người ngoài cộng đồng.

Ngoài ra, có nhiều người cũng thảo luận và tranh luận về thứ tự các từ trong cụm LGBT. Có một số quan điểm cho rằng trước kia cụm từ này được sử dụng dưới dạng GLBT, sau đó vì những nhóm nữ quyền muốn tăng tính hiện diện của phụ nữ và để chuyển L lên trước để đảm bảo điều đó. Nhiều người cũng quan ngại vì sao nhóm đồng tính lại được đứng trước, trong khi những cộng đồng nhỏ hơn và yếu thế hơn lại đứng ở sau.

Leave a Reply