Cô Nguyễn Lang Mộng là một thành viên vô cùng tích cực của Hội Phụ Huynh và Người Thân Của Cộng Đồng LGBT Việt Nam (PFLAG Việt Nam). Năm 2016, cô đã giành giải thưởng Người Đồng Hành Của Năm tại Giải thưởng LGBTQ Tôn Vinh. Tháng 12/2017, cô là một trong các diễn giả trình bày tại Hội nghị LGBT châu Á – Thái Bình Dương tại Campuchia. Từ một người phụ nữ nội trợ sống bình lặng, cô Mộng hiện đã trở thành một nhà hoạt động xã hội đầy nhiệt huyết. Những bạn trẻ hoạt động LGBT cũng hay gọi cô là “mẹ Mộng” vì sự gần gũi, hăng hái này.

 

“Trước 2011 thì LGBT là cô không biết, cô chỉ biết người ta kêu đó là bê đê, bóng và cực kỳ không thích. Mình chỉ biết đó người ta kêu là bệnh hoạn, biến thái. Vì truyền thông lúc nào cũng cho đó là bệnh. Thường người ta nói về đồng bóng, bê đê thì sẽ nghĩ đến đám tiệc, hội chợ và những hình ảnh đó nó đã ăn sâu vào suy nghĩ như một lối sống khác thường mà người ta nghĩ đó là xấu là bệnh. Và cái suy nghĩ đó đến giờ vẫn chưa hết đâu. Nhưng sau khi biết con mình là đồng tính và sau khi tìm hiểu thì mình đã thay đổi.

Lúc đó cô lo làm không chú ý nhiều nhưng mà bên ngoại kêu là mày phải để ý con mày, sao mà nó ẻo lả quá coi chừng nó là bê đê. Cô nghe cái từ bê đê lúc đó cô cực kỳ ghét và xấu hổ vô cùng, con mình nó đụng cái gì là chửi nó cái đó. Nó cũng chỉ im lặng hoặc bỏ đi chỗ khác.  Bao nhiêu nỗi đau mình cứ chèn ép nó rồi đến lúc nó trầm cảm và muốn tự tử thì bắt đầu mới sợ, mới tỉnh. Nhưng mà cũng không biết làm gì. Lúc đó mình rất là hoang mang vì internet không rành mà không ai có kinh nghiệm để hỏi. Cũng may lúc đó mình đọc được trên báo Phụ nữ có diễn đàn dành cho người đồng tính nói lên tâm sự của họ, rồi mới thấy các bạn trải lòng ra về những nỗi khổ của mình. Mình nghĩ nếu mà con mình cũng vậy thì nó cũng sẽ gặp nhiều khó khăn tương tự nên mình mới bắt đầu chú ý. Ba tháng sau báo Phụ nữ mở hội thảo “Giúp con sống thật” thì mình mới đăng ký. Thì đó là lần đầu tiên mình đi hội thảo. Vô đó mới biết không chỉ có mình cô mà cha mẹ đi cũng rất đông. Ấn tượng nhất là các bạn trong cộng đồng, cụ thể lúc đó là Bình Lê rồi Thế Huy. Hai người lên chia sẻ câu chuyện của mình thì cô mới thấy cả 2 bạn đều sáng sủa và học rất giỏi, mình mới thấy cộng đồng LGBT không giống như những gì mình nghĩ.

Cái chính là mình tiếp xúc với nhiều cha mẹ, ai cũng có những đứa con rất là giỏi và ngoan, con mình cũng vậy thì tại sao nó lại phải chịu bất công? Mình là cha mẹ còn không dám đánh, dám la nó mà người dưng lại có thể nói nó như vậy? Thì để xóa bỏ sự bất công như vậy, mình phải làm một cái gì đó, nên cô mới theo con đường này. Nói chung là từ ban đầu đến lúc mình sáng ra cũng cần một thời gian rất dài. Sau này tiếp xúc với nhiều phụ huynh cũng có nhưng nỗi lo như mình hồi đó, rồi từ những nỗi lo đó họ mới áp lên con họ, nghĩ rằng như vậy thì con họ sẽ hết đồng tính. Nhất là con trai thì phải nối dõi tông đường. Cái tư tưởng đó không hề thay đổi, nhất là những người ở vùng quê. Họ nghĩ không có con trai đã đành, bây giờ có mà con trai nó như vậy quả là một nỗi sỉ nhục lớn.  Họ bắt con mình cưới vợ để chứng minh cho mọi người thấy “con tôi cũng là con trai đàng hoàng, cũng cưới vợ được”.

Có hai phụ huynh ở Hải Phòng khi biết con họ như vậy thì họ khóc dữ lắm. Sau đó họ nói rằng vì thương con họ chấp nhận để con họ ăn học đàng hoàng, vì họ cũng sợ con họ tự tử nếu mà họ làm dữ. Sau đó 2 năm cô lại gặp 2 phụ huynh đó thì họ nói con họ ổn rồi, nhưng mà trong tâm khảm dù 5, 10 hay 20 năm họ vẫn muốn con họ trở lại “bình thường”. Nên mình thấy rằng mình còn phải làm nhiều lắm. Nhiều phụ huynh dù biết con mình vậy họ chỉ tạm chấp nhận thôi, nhưng trong lòng họ vẫn chưa thừa nhận. Và luôn nuôi 1 cái hy vọng có một phép màu nào đó cho con họ “bình thường”. Và cũng cũng đang trăn trở không biết làm cách nào để người ta đừng bỏ công hy vọng những cái không thể. Đa số phụ huynh họ đều yêu thương con hết nhưng mỗi người suy nghĩ mỗi khác và họ làm theo suy nghĩ của họ dù đó là sai nên mới xảy ra nhiều bi kịch. Hết 9/10 ca cô tham vấn là có vướng mắc với gia đình. Khi mình đi chia sẻ với phụ huynh ở các tỉnh thành thì họ rất cởi mở nhưng trong sâu thẳm thì họ vẫn chưa thay đổi. Còn rất là nhiều sự kỳ thị, nhất là trong gia đình. Nhiều bạn hoạt động ở ngoài rất là sôi nổi, ai cũng biết, nhưng mà vẫn còn giấu gia đình.

Nhiều cha mẹ dù đã mơ hồ nhận ra con mình như vậy thì cũng giả vờ không biết để mà hy vọng. Và nếu họ thấy có bất kỳ cách nào để hy vọng đó thành hiện thực thì họ sẽ làm. Thành ra người con mới là khổ. Giống như nhiều bà mẹ khóc nhiều lắm, rồi đổ bệnh hay là đòi tự tử thì người đau khổ và chịu áp lực nhất là ai? Là người con, vì đâu thể làm gì được. Đôi lúc chỉ vì bản thân người cha, người mẹ thôi mà áp đặt làm khổ con mình, chứ không phải không hiểu biết. Thành ra người con bị kẹt ở giữa: nếu không nghe lời thì sẽ bất hiếu, nhưng nghe lời thì không thể nào sống như ý muốn cha mẹ được. Nói chung tất cả đều là do nhận thức, và cốt lõi là mình phải thay đổi nhận thức trước đã.”

Leave a Reply