Mia Nguyễn sinh năm 1988, bắt đầu tham gia đóng góp cho cộng đồng từ 2016. Chị từng công tác tại một bộ phận trực thuộc Bộ An sinh xã hội Úc và hiện đang là cố vấn và tập huấn kiến thức về mảng tâm lý cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài cộng đồng. Ngoài ra, chị còn tham gia một số dự án như: hợp tác với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam để vận động quyền và luật chuyển đổi giới tính, “Work with pride” – tôn vinh sự đa dạng, bình đẳng nơi công sở, VNP+ (Mạng lưới người sống chung với HIV Việt Nam), CLB Bầu Trời Xanh (clb hỗ trợ các bạn sống chung với HIV và phòng chống HIV ở TPHCM). Chị được bầu chọn là Người truyền cảm hứng năm 2017.
“Về việc đổi hướng sang chuyên ngành Tâm lý học sau khi sang Úc] Có rất nhiều lý do để chị chọn ngành tâm lý hành vi. Từ nhỏ chị đã có những câu hỏi liên quan đến bản dạng giới và xu hướng tính dục của mình. Nhưng do chị thuộc thế hệ 8x, lại sống ở VN và từ nhỏ đã rất ít được tiếp cận với những thông tinh chính thống về bản dạng giới, xu hướng tính dục. Trong đầu chị luôn có những câu hỏi về giới tính nhưng không có ai trả lời cho chị biết: mình là ai? Và câu hỏi đó kéo dài suốt cái quãng đời của chị.
Mãi sau đó khi chị qua Úc lúc 24 tuổi chị mới biết còn 1 cộng đồng nữa, chính là người chuyển giới. Và những cái suy nghĩ, hành động,…của chị hoàn toàn phù hợp với cộng đồng này. Sau đó chị quyết định chuyển đổi giới tính để phù hợp với bản dạng giới của mình. Và chị cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó. Vì chị đã tìm ra được chính mình. Đến năm 2011 chị đã sang Thái Lan chuyển đổi giới tính, trong khoảng thời gian chị nghỉ ngơi chị đã suy nghĩ rất là nhiều về cộng đồng người chuyển giới nói riêng, về LGBT. Thế là chị lên mạng tìm hiểu nhưng có quá nhiều thông tin nên cũng chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Cuối cùng thì chị biết được rằng ở Úc, nơi chị sinh sống, ngành tâm lý học rất là phát triển. Và chị đã quay lại trường để học tâm lý hành vi.
Và sự kiện nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho chị trong quá trình hoạt động có lẽ việc chị giảng dạy khoảng 400 cán bộ y tế trong vòng 2 tháng ở TPHCM về thế nào là SOGIE, lồng ghép giới (2), bình đẳng giới, … cũng như cách cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người LGBT. Đó có lẽ là việc làm chị thấy ý nghĩa và thiết thực nhất. Vì hầu như các cán bộ y tế đang công tác tại TPHCM không có kiến thức về LGBT. Nếu có thì cũng rất ít và mơ hồ. Và trong số những người chị giảng dạy, sau buổi học phần lớn đã nhận ra sự khác biệt giữa các khái niệm trên. Tuy có người thay đổi suy nghĩ, có người vẫn phản đối nhưng tựu chung lại công việc của chị vẫn là làm sao truyền đạt được những thông tin chính thống đến các cán bộ y tế để trong tương lai họ có thể có dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoàn thiện và tốt nhất dành cho cộng đồng. Đây là 1 hoạt động ý nghĩa vì sự phân biệt đối xử trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe vẫn còn nhiều, đặc biệt là kỳ thị về xu hướng tính dục và bản dạng giới. Nếu mà họ không hiểu thì rất khó để họ tiếp cận những vấn đề của người trong cộng đồng.
Còn về gia đình chị thì không có bất cứ vấn đề nào cả. Từ nhỏ chị đã bộc lộ giới tính của mình. Nhưng việc chị come out với gia đình, với mẹ, cũng là 1 quá trình rất dài. Mẹ chị hiểu tất cả về chị và luôn âm thầm ủng hộ. Bà lo lắng nhiều hơn là giận chị: lo chị không tìm được hạnh phúc, lo sự kỳ thị của xã hội, lo về tuổi thọ… Chứ thật ra bà không kỳ thị, cấm đoán chị thể hiện giới tính của mình. Và dần chị chứng tỏ mình là 1 công dân tốt, có vị trí trong xã hội, có quyền mưu cầu hạnh phúc; chị cũng tìm được tình yêu, cũng có 1 mái ấm gia đình thì những nỗi lo trước đây của bà dần tan biến. Các bạn trong cộng đồng LGBTIQ cũng sẽ gặp những khó khăn như chị và cần có thời gian rất dài để gia đình và những người xung quanh chấp nhận mình, bằng những nỗ lực của mình. Thay vì người ngoài nỗ lực một thì mình phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để chứng tỏ những điều mình làm là đúng, và giới tính chỉ là 1 yếu tố nhỏ trong cuộc sống của mình.
Trong cuộc sống, thử thách không có nghĩa là mình sẽ bị đánh gục, đôi lúc nó sẽ làm mình trưởng thành hơn rất nhiều. Do vậy nếu chị được lựa chọn 1 lần nữa, chị vẫn chọn con đường này. Chị biết chị đánh đổi rất nhiều, mất mát cũng rất nhiều, nhưng hạnh phúc cũng không ít. Và dù muốn dù không vẫn có người không thích mình, nhưng mình phải là người tử tế và có ít trước, phải là người sống thật với chính mình. Để một người có thể đối diện với chính mình trong gương, không phải dễ. Vì thế chị rất trân quý các bạn trong cộng đồng, các bạn đã phải hy sinh rất nhiều để được ghi nhận.
Về yếu tố gia đình, chồng chị cũng là một nhân tố quan trọng trong đời chị. Trước khi chị quen anh thì chị không nghĩ nhiều về hôn nhân, vì chị sợ. Chị sợ rằng người ta thương mình đó nhưng khi mình nói ra mình là người chuyển giới mà người ta không chấp nhận thì khác gì mình tự làm tổn thương mình. Riêng anh, từ cái nhìn đầu tiên, chị nhận ra anh là một người tử tế. Chính vì sự tử tế đó chị cho phép mình gặp gỡ anh. Anh là người đã từng trải qua nhiều mất mát như chị. Có lẽ vì anh và chị đều có trái tim bị tổn thương, dù bản chất sự tổn thương của mỗi người mỗi khác, nên hai anh chị có thể thấu cảm và thấu hiểu nhau. Chị bắt đầu hoạt động cộng đồng rất sớm. Và anh ủng hộ chị, anh không bao giờ trách chị dành nhiều thời gian cho các hoạt động ấy, mà anh sẵn sàng trở thành người đồng hành với đam mê của chị. Anh cũng chưa bao giờ ngại mà luôn tự hào về chị. Khi anh yêu một người phụ nữ chuyển giới, thì chính anh cũng bị mang ra làm trò đùa bởi những người không hiểu. Chính vì vậy, khi yêu chị, anh đã hy sinh rất nhiều, và chị cảm ơn anh rất nhiều vì điều đó.
Từ nhỏ chị đã nhận thức được rằng mình khác biệt. Và nếu chị không mạnh mẽ thì mình sẽ bị ăn hiếp. Từ nhỏ chị đã thấy rằng khi mình giỏi thì sẽ được mọi người thương, được trọng dụng, và họ sẽ không nhìn vào giới tính của mình. Suy nghĩ ấy kéo dài suốt cuộc đời chị: nếu mình nỗ lực trở thành người có ích, thì mình sẽ được (quyền đòi hỏi) người ta ghi nhận. Mặc dù bây giờ chị chắc chắn không còn ngây thơ như ngày xưa nữa, chị cố gắng vẫn giữ cái nhìn lạc quan và có phần trẻ con như thế. Trong những câu chuyện được chia sẻ với chị, dù có nhiều nỗi buồn, chị vẫn thấy đâu đó bản thân mình ngày trước, và chị mong muốn truyền cho các bạn một cách nhìn tích cực, một nguồn năng lượng khác. Dù các bạn sau này sẽ chọn hướng đi khác chị, chị vẫn muốn các bạn có thể tự tin, và làm người tử tế.”