“Đồng tính”, hay “đồng tính luyến ái” bắt đầu xuất hiện trong từ điển tiếng Việt từ năm 1932, trong quyển “Hán-Việt từ-điển” của tác giả Đào Duy Anh tại Pháp. Tuy nhiên, lúc đó “đồng tính” không mang tính chỉ một xu hướng tính dục mà mang nghĩa “tính-loại dống nhau, như con trai với con trai, con gái với con gái (même sexe)”. Tương tự, từ “đồng tính luyến ái” (chữ Hán là “đồng tính ái”) được định nghĩa là “con trai yêu con trai, con gái yêu con gái (amour homosexuel)”. Có thể thấy, ban đầu, từ “đồng tính” hay “đồng tính luyến ái” đều không mang hàm ý kỳ thị hay phân biệt, về sau thường sử dụng trong cụm từ “tình đồng tính”. Tới tận năm 1988, trong “Từ điển tiếng Việt” của Hoàng Phê, từ “đồng tính” mới bắt đầu mang chiều hướng tiêu cực, phê phán hơn (“chỉ những ham muốn nhục dục, một cách trái tự nhiên, với những người cùng giới tính”).
Nhìn chung, từ “đồng tính” ở Việt Nam thường được sử dụng trong các nghiên cứu, văn bản khoa học hay báo chí truyền thông. Thời gian đầu, mọi người thường sử dụng cụm “đồng tính luyến ái” hơn, một số dùng “đồng tình luyến ái”. Theo nhóm tác giả Khuất Thu Hồng, Lê Bạch Dương và Nguyễn Ngọc Hường, trước những năm 1990, đồng tính không được biết đến nhiều trong tri thức về tình dục ở Việt Nam và các thuật ngữ liên quan được sử dụng lẫn lộn. Vào ngày 30 tháng 11 năm 2005, chỉ thị 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (54/2005/CT-TW) là tài liệu chính thức đầu tiên của Đảng nhắc đến quan hệ tình dục đồng giới. Do việc truyền thông rộng rãi của chỉ thị này, việc gắn tình dục đồng giới với HIV khiến nhận thức và thái độ của xã hội với từ “đồng tính” và người đồng tính bắt đầu trở nên định kiến hơn và sợ hãi hơn rất nhiều.
Sự thiếu hụt và sai lệch kiến thức về LGBT trong xã hội Việt Nam được thể hiện ngay trong cuốn Từ điển Bách khoa Toàn thư. Ví dụ, “đồng tính luyến ái” được định nghĩa là: “(cg. đồng dâm), quan hệ luyến ái, tình dục giữa những người cùng giới tính, đều có bộ phận sinh dục phát triển bình thường. Trên thực tế, thường gặp đồng tính luyến ái giữa nam với nam, ít gặp ở nữ hơn. Đồng tính luyến ái tồn tại từ lâu ở các nước phương Tây, có nơi được chấp nhận như hợp pháp. Gần đây, được dư luận xã hội chú ý vì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây lan tràn HIV và AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải)”.” Trong công trình này, những người soạn từ điển đã xem “đồng tính luyến ái” như một biểu hiện của “loạn dâm” (“hoạt động tình dục bệnh hoạn”) hay “kê dâm” (“một kiểu loạn dâm, thực hiện động tác tình dục qua hậu môn như gà”), ngoài ra còn gắn với “sự lan tràn của HIV và AIDS” và những “ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội”.
Theo thống kê từ Google Trends, từ “đồng tính” được sử dụng phổ biến nhất vào khoảng thời gian đầu những năm 2000, về sau giảm dần và được sử dụng nhiều ở các tỉnh phía Nam như Hậu Giang, Cà Mau, Long An, v.v. Kể từ năm 2007 với sự thành lập của iSEE, viện nghiên cứu đầu tiên làm về LGBT ở Việt Nam, kéo theo sự phát triển của các phong trào quyền của cộng đồng LGBTQ mà từ “đồng tính” dần trở nên phổ biến trở lại với ý nghĩa và thái độ tích cực hơn, gắn liền với những chủ đề như “đồng tính nam”, “hôn nhân đồng giới”, “đồng tính luyến ái.”
Nguồn:
Hán-Việt từ-điển, 1932, Đào Duy Anh
Việt Nam Tân từ điển, 1952, Thanh Nghị
Từ điển tiếng Việt, 1988, Hoàng Phê
Người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam: Tổng luận các nghiên cứu, 2013, Phạm Quỳnh Phương
Google Trends
Anh Lương Thế Huy