Lên đồng (hầu bóng, hầu đồng) là nghi thức không thể thiếu trong Đạo Mẫu Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Theo tiếng nhạc và câu hát chầu văn trước điện thờ, người đồng cốt ngồi nhập vai tuần tự theo thứ bậc các vị thần thánh trong tín ngưỡng dân gian từ các Thánh Mẫu đến các Quan Lớn, các ông Hoàng, các Chầu bà, các cô Công Chúa và các cậu Hoàng. Người đồng cốt có thể nhập vai một loạt vị thần thánh trong buổi hầu đồng, nhưng mỗi người bọn họ đều xác định cho mình một căn cước tâm linh ngõ hầu chăm vun cho “căn đồng” theo thiên hướng đặc biệt của vị thánh quan thầy. “Bốc đồng” là những căn đồng vượt rào giới tính của các “đồng cô” và các “bóng cậu”.  (Nguyễn, 1990).

 Trong phóng sự Đồng bóng (1935) của tạp chí Phong Hóa, tác giả Trọng Lang cho biết bên cạnh “bà đồng” còn có các “cô đồng”, mà chủ yếu là nam giới. Tác giả giải thích họ gọi mình là cô đồng vì họ có năng khiếu nhập vào Hàng Cô. Để tỏ lòng hiến dâng cho các Cô, họ không kết hôn và giữ gìn tiết hạnh, có thể đây chính là điều kiện tiên quyết để các Cô mượn/nhập vào cơ thể họ. Trọng Lang cũng giải thích do cô đồng không thể lấy vợ nên họ trở nên “ái nam” (Endres và cộng sự, 2012). Trước đây, nếu đồng tính vẫn bị coi là bệnh thì cô đồng/làm đồng cô lại được coi là việc tiên thánh vì đó là người đã được thánh thần lựa chọn (Endres và cộng sự, 2012).

 Từ “bóng cậu” ban đầu dùng để chỉ các bà đồng cải nam trang theo căn các cậu Hoàng, “bóng” ở đây có nghĩa là hình bóng phản chiếu trong gương của vị thánh đang nhập đồng. Sau này, từ này cải biến thành danh xưng “bóng” là tiếng lóng đại trà để chỉ những người đồng tính nam ẻo lả, viết tắt từ “bóng lại cái” là một biến thức mang đặc thù giới tính rõ rệt hơn. Suy rộng ra thì những danh xưng như “đồng cô” và “bóng” đã trở thành tiếng lóng miệt thị những người đảo trang và ngầm hiểu là đồng tính trong tiếng Việt hiện đại (Nguyễn, 1990).

 Theo Nguyễn Quốc Vinh (1990), những khái niệm về sự tiến bộ của Tây phương vào đầu thế kỷ 20 đã khiến cho nhiều người Việt khinh miệt thói lên đồng, coi đây là hiện thân của sự thô tục, mê tín và lạc hậu. Hủ tục này đã bị châm biếm không thương tiếc bởi Lộng Chương trong cuốn tiểu thuyết trào phúng Hầu thánh xuất bản năm 1942.

“Xung quanh câu chuyện tan cửa nát nhà của bà Hàn Sính, tác giả đã cung cấp rất nhiều chi tiết đặc sắc về “cái xã hội đồng bóng với những nhúm người dở dại dở điên”. Đặc biệt đáng lưu ý là những dẫn chứng về hiện tượng “vui vầy đôi lứa” (hay “nôm na mà nói [là] … kết nghĩa vợ chồng”) cùng giới của những người đồng cốt “kết căn” với nhau” (Nguyễn, 1990).

Một trong các nhân vật của tiểu thuyết này là Bà Đào, một bà góa, tìm đến tình yêu lạ kỳ với một người phụ nữ khác là bà đồng Châu. Điều thú vị là mối quan hệ đồng tính của Bà Đào và Châu không bị xem là hành vi lệch chuẩn theo quy chuẩn truyền thống về giới, thay vào đó lại được nhìn nhận từ góc độ xã hội – tâm lý. Vì những người phụ nữ không được tái giá chẳng còn cách nào khác để “tự ý chiều cái thắc thỏm của lòng bà”. Đối lập với thái độ cảm thông với các bà đồng, các ông đồ lại bị tác giả mô tả là “õng à õng ẹo” (Endres và cộng sự, 2012).

Nguồn:

Nguyễn, Q.V., 1990. Những nhục thể biến dị và các động thái chuyển vị của dục cảm đồng tính trong văn chương Việt Nam từ và về thời Pháp thuộc (1858-1954), trên Talawas:

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1055&rb=0503

 Endres, K.W., Mariko, I., Atsufumi, K., Luong, H.V., Ninh, T.H., Tran, T.M.T., 2012. Alternative Intimate Spheres for Women in Vietnam. 

https://pdfs.semanticscholar.org/626d/36395072f699d04b0d5dd0125fae67b104b8.pdf

Leave a Reply