Chu Thanh Hà là một trong những thành viên sáng lập và ban điều hành thời kỳ đầu của tổ chức 6+. Hà từng là intern mảng LGBT của Oxfam, thành viên nhóm nghiên cứu của Mạng lưới Người chuyển giới Châu Á Thái Bình Dương (APTN), và Cán bộ chương trình Quyền LGBT của iSEE. Hiện đang hoạt động độc lập cho các dự án liên quan đến Luật chuyển đổi giới tính.

 

“Thật ra lúc đầu tham gia làm tình nguyện viên cho các hoạt động cũng là vì tôi đang đi học, có thời gian rảnh và cũng không có gì để làm. Lúc đó tôi cũng trong giai đoạn không tìm được một từ nào phù hợp để gọi bản thân, nên là tham gia, hy vọng một ngày có thể tìm được một từ để miêu tả bản thân. Năm 2013 có cái nghiên cứu về người chuyển giới do chị Phạm Quỳnh Phương làm về cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam. Đọc rồi sau cái nghiên cứu ấy thì năm 2013, tôi mới come-out.

Từ 2008 và sau những năm đầu đại học thì tôi chủ yếu hoạt động với CSAGA. Tôi là moderator dịch bài trên forum Bạn gái VN. Sau đấy đến năm 2011, tôi tham gia buổi offline mà ICS tổ chức để tuyển cộng tác viên ngoài Hà Nội. Mãi đến tháng 4 năm sau thì mới có hoạt động đầu tiên, đó là chuỗi kịch “Được là chính mình”. Sau này thì nhóm cộng tác viên cùng thành lập Tổ chức 6+ với nhau. Năm 2013, 6+ đánh dấu sự độc lập của mình khỏi iSEE và ICS bằng việc tổ chức hoạt động đầu tiên “Yêu là cưới” – đám cưới đồng tính tập thể ở Hà Nội.

Sau đấy một thời gian, tôi cũng không làm việc với 6+ nữa do mâu thuẫn nội bộ trong ban điều hành. Tôi đi làm ở ngoài được 3 năm, đến năm 2016 thì thấy Oxfam tuyển intern mảng LGBT, thì nộp đơn vào và được nhận. Thật ra lúc đấy cũng không hiểu tại sao lại quay lại với phong trào. Tôi nghĩ mình quyết định quay lại vì lúc đó chuẩn bị vận động cho Luật chuyển đổi giới tính. Tôi muốn giúp cộng đồng.

Thời gian làm việc với cộng đồng thì vui buồn lẫn lộn. Vui vì được go on-stage và nói về mình, được gặp những người mà coi như là tai to mặt lớn và nói về cộng đồng nào đấy mà thành ra nó có thật, được come-out gia đình, được đi nọ đi kia. Mình càng đi thì càng nhận thấy có nhiều người ngoài kia giống mình hơn. Buồn vì mất đi nhiều mối quan hệ tốt đẹp, mà có thể là bạn bè lâu dài với nhau. Buồn vì công việc, vì làm việc ở tổ chức mà mất đi mối quan hệ bạn bè. Buồn vì mâu thuẫn niềm tin, tư tưởng, quan điểm. Nếu được quay lại thì tôi đương nhiên vẫn tham gia vào phong trào, nhưng sẽ làm một cách đầy tỉnh thức và điềm đạm hơn.

Tôi nghỉ không làm việc ở bất kỳ một tổ chức nào nữa vì thấy mình không còn phù hợp. Tôi nghỉ vì cách mà các tổ chức làm việc với cộng đồng nó không giống mình làm. Đôi khi tiếp xúc với cộng đồng, tôi có cảm giác như mình đang thuyết phục họ. Bản thân tôi biết đi làm cái này cũng sẽ bị tổn thương, nhưng vẫn phải thuyết phục các bạn dấn thân vào. Tôi chỉ nghỉ ở các tổ chức thôi, chứ các hoạt động khác của cộng đồng thì tôi vẫn tham gia.

Ở Việt Nam, Lương Thế Huy từng là người truyền cảm hứng cho tôi, mặc dù có những đặc điểm của Lương Thế Huy mà tôi không thể nào thích nổi. Tôi phục khả năng học của Huy. Huy tự học rất nhiều. Huy cũng rất có tâm với cộng đồng, rất ưu ái các bạn trẻ trong cộng đồng. Huy cũng giữ được tiếng nói độc lập, không bị thiên quá nhiều về một bên nào. Ở nước ngoài thì có Joe Wong, anh ấy hiện đang là Giám đốc điều hành của APTN, là một người lãnh đạo và tiên phong cho tiếng nói của người chuyển giới nam trong khu vực. Joe làm việc rất nghiêm túc và thầm lặng. Đây là 2 người có ảnh hưởng đến tôi, tuy cách họ làm có thể cực đoan, nhưng ở giữa những vòng xoáy, họ vẫn giữ được lập trường.”

Leave a Reply