“Fem” và “sb” là cách xưng hô khá phổ biến của cộng đồng nữ yêu nữ tại Việt Nam.

Từ “sb” (đọc là ét-bi, một số cách đọc khác là sẹc bi, sặc bi) và fem (bắt nguồn từ “femme”) được sử dụng nhiều bắt đầu từ năm 2007, thời kỳ phát triển nở rộ của những diễn đàn dành cho cộng đồng LGBT ở Việt Nam, đặc biệt là diễn đàn bangaivn, diễn đàn rất phổ biến của cộng đồng nữ yêu nữ. Tại thời điểm đó, Việt Nam chưa có khái niệm về người chuyển giới, dẫn tới sự đánh đồng khái niệm chuyển giới và đồng tính.

Ban đầu, nhãn “butch” để dùng cho các bạn đồng tính nữ nam tính, “stone butch” và “soft butch”, và với những bạn nữ tính thì là “femme”. Về Việt Nam, các từ được viết tắt lại còn là “sb” và “fem” (stone butch tương ứng sb cứng, còn soft butch là sb mềm ở nước mình).

Ngay khi kiến thức này được lan truyền, nhóm cộng đồng nam tính/thấy mình là nam liền nhận nhãn về với mình, cảm giác như được thuộc về một nhóm nào đó hơn là cái nhãn lesbian chung chung (sense of belonging). Nhiều bạn thậm chí còn tách mình khỏi nhãn lesbian.

Đến tận 2010, khi Lesking được hình thành (cũng từ các bạn nhóm nam tính/cảm thấy mình là nam này), các bạn đã phổ cập kiến thức thành bài viết về các nhãn dùng trong cộng đồng. Lúc ấy rất nhiều bạn đã nhận mình là sb cứng – được định nghĩa là những bạn yêu nữ, thấy mình là nam giới, muốn được gọi là anh.

Mãi năm 2012, khi ICS cùng những tổ chức làm về LGBT có những bài phổ cập kiến thức đa dạng tính dục (SOGIE), mọi người mới biết đến cụm từ transgender – chuyển giới. Diễn đàn Lesking cũng cập nhật ngay một bài phân biệt các từ sb – tomboy và trans. Tuy nhiên lúc này có lẽ mọi người đã quá quen thuộc với từ sb được dùng trong thời gian rất dài (5 năm), và mọi người vẫn lầm tưởng rằng, phải có ý định hoặc đã can thiệp y tế mới được gọi bản thân là chuyển giới, không thì mình vẫn là… sb. Đó là lí do sau này chúng ta mới có cái cụm từ ngô ngố là…. “sb lên trans”.

Nguồn: Mai Như Thiên Ân

Leave a Reply