Việc phân chia vai vế trong một cặp đôi có lẽ là một câu chuyện rất đỗi quen thuộc. Có rất nhiều người cho rằng, trong một cặp đôi việc “phân vai” là rất bình thường thậm chí là cần thiết, kể cả đó là trong mối quan hệ giữa hai người khác giới hay đồng giới. Trong mối quan hệ đồng tính nam, sẽ luôn có một người đàn ông nam tính hơn, đóng vai là người chồng (top) và một người sẽ dịu dàng và “nữ tính” hơn (bot). Cũng như vậy, trong cặp đôi đồng tính nữ, người ta thường thấy sẽ có một bạn nữ “nam tính”, mạnh mẽ và là chỗ dựa cho bạn nữ còn lại, có phần nhẹ nhàng và yếu đuối hơn. Nhưng có những cặp đôi nữ yêu nữ, sự phân chia như vậy lại hoàn toàn biến mất và không phù hợp trong mối quan hệ của họ.

Chúng tôi có cần phân vai không?

Trong cộng đồng người đồng tính nữ ở Việt Nam, có một “thuật ngữ” rất quen thuộc: butch, sb và femme. Nhãn “butch” để dùng cho các bạn đồng tính nữ nam tính, “stone butch” và “soft butch”, và với những bạn nữ tính thì là “femme”. Về Việt Nam, các từ được viết tắt lại còn là “sb” và “fem” (stone butch tương ứng sb cứng, còn soft butch là sb mềm ở nước mình) (theo tư liệu của Vietnam Queer History Month 2018 – Từ pê đê tới buê đuê). Có lẽ cũng chính từ sự phân chia và dán “nhãn” này, rất nhiều cặp đôi đồng tính nữ hay chính các bạn nữ trong cộng đồng đã tự phân vai cho chính bản thân mình, tạo nên sự phân chia vai vế trong chính cặp đôi: sẽ có một người nam tính hơn, mạnh mẽ hơn, làm những công việc nặng nhọc hơn, giống như một người nam trong mối quan hệ hay một người đàn ông trong gia đình theo chuẩn mực của xã hội đương thời. 

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều cặp đôi nữ yêu nữ lại không “phân vai” như vậy, cả hai người đều đóng vai trò giống như nhau và đều là “bạn gái”, đều mang vẻ ngoài “nữ tính” và không có ai là người “bạn trai” trong mối quan hệ. Sự tồn tại của những “nhãn” butch, soft butch, stone butch hay femme vô tình đã trở thành “chuẩn mực” trong việc phân chia vai vế của các cặp đôi đồng tính nữ và làm cho nhiều người nghĩ rằng, việc phân vai như vậy là điều tất yếu và không thể thiếu trong mối quan hệ của mình. Thực chất, đối với nhiều mối quan hệ nữ yêu nữ việc phân chia vai vế như vậy đối với họ là không cần thiết và không hề tồn tại. 

Chúng tôi có cơ hội được phỏng vấn nhiều cặp đôi nữ yêu nữ, có những cặp đôi cả hai người nữ đều thể hiện giới là nữ, nhưng hai người xưng hô với nhau là “anh” – “em”. Khi được hỏi về việc phân chia “vai” trong cặp đôi, các bạn có chia sẻ rằng việc xưng hô như vậy là do ý muốn của hai người, một phần cũng do tính cách của một người sẽ giống với người nam, và việc đó có tạo nên sự phân “vai” nhất định trong mối quan hệ. Người được gọi là “anh” sẽ có vai trò giống như là người bạn trai trong mối quan hệ, có xu hướng là chỗ dựa, che chở và nhường nhịn bạn gái hơn, nhưng người đó vẫn nhận bản dạng giới của mình là nữ và chỉ xưng hô như vậy với người mình yêu mà thôi. Cũng theo như chia sẻ, các bạn cho rằng việc xưng hô như vậy là hoàn toàn dựa theo mong muốn, không phải là điều kiện tiên quyết trong việc phân định vai vế của hai người và thực ra, việc phân vai như vậy cũng không quá quan trọng với họ, không có chuẩn mực cho việc phân định tính cách hay cách hành xử nào là của người nam hay của người nữ. Cũng như vậy đối với các cặp đôi nữ yêu nữ khác, việc phân chia vai vế là không có, họ chỉ yêu nhau và tôn trọng tính cách của đối phương, không đặt nặng vấn đề về trách nhiệm của ai sẽ là lớn hơn hay giống với một cặp đôi dị tính theo khuôn mẫu của xã hội khi sống chung dưới một mái nhà. Trong cặp đôi nào cũng vậy, sẽ có người có tính cách hơi trẻ con, có người sẽ có xu hướng muốn che chở cho đối phương và trưởng thành hơn, điều đó không có nghĩa rằng sẽ có người phải đóng vai người nam, hay người “trụ cột” trong mối quan hệ. Tình yêu có lẽ sẽ là điều quan trọng nhất trong mối quan hệ chứ không phải là việc phân vai, phải không?

Trans guy yêu nữ và nữ yêu nữ: chúng tôi khác nhau.

Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về các cặp đôi nữ yêu nữ sống chung, chúng tôi nhận ra rằng có rất nhiều hiểu nhầm về mối quan hệ của hai người nữ yêu nữ, và phổ biến nhất vẫn là việc mọi người thường nhầm lẫn chuyện sống chung giữa một cặp đôi nữ yêu nữ với cặp đôi transguy (người chuyển giới nam) yêu nữ. 

Có rất nhiều người nhầm lẫn rằng, transguy nếu chưa trải qua phẫu thuật chuyển giới hay tiêm hormone thì vẫn là một người nữ, chính vì thế việc sống chung của một người transguy với người yêu là nữ sẽ giống như của hai người nữ yêu nữ. Trên thực tế, giữa hai mối quan hệ này có thể có những điểm tương đồng nhất định về tâm sinh lý: về suy nghĩ, sự nhạy cảm của người nữ hay cả câu chuyện “rớt dâu”. Người chuyển giới nam dù đã phẫu thuật hay chưa trải qua phẫu thuật đều được nhìn nhận là một người nam, chính vì vậy mà câu chuyện sống chung giữa họ với một người nữ sẽ có những khác biệt với những người nữ yêu nữ. Đối với khá nhiều cặp đôi nữ yêu nữ, việc phân vai trong mối quan hệ là không quá quan trọng, thậm chí là không có, thì ở các cặp đôi transguy yêu nữ, việc phân vai có phần quan trọng và phổ biến hơn. Có nhiều người chuyển giới nam chia sẻ rằng, họ cho rằng mình là một người đàn ông, chính vì vậy trong mối quan hệ của mình, họ sẽ làm “tròn” trách nhiệm của một người nam. Họ sẽ luôn có xu hướng bao bọc, che chở cho bạn gái của mình, làm những việc nặng trong nhà – những công việc như sửa điện, sửa chữa đồ đạc trong nhà,…. Khi được hỏi trò chuyện với anh Long – một người chuyển giới nam hiện đã sống chung với bạn gái được 1 năm – anh có chia sẻ rằng: “Anh nghĩ rằng anh sẽ làm những việc nặng nhọc hơn, sẽ là chỗ dựa cho người yêu mình, có trách nhiệm che chở và bảo vệ cho cô ấy giống như bao người nam trong mối quan hệ “theo chuẩn xã hội” khác. Nhưng theo suy nghĩ của anh, tại vì anh cũng là một người trẻ và nhận ra những khuôn mẫu hay trách nhiệm của người nam và người nữ là không hợp lý. Anh có thể là người trụ cột, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc anh có quyền được sai bảo, gia trưởng hay đưa ra các quyết định trong nhà một mình mà không thông qua ý của chị (người yêu). Anh và người yêu có ý định lập gia đình với nhau, chính vì thế cả hai đứa đều đã suy nghĩ và lên kế hoạch về trách nhiệm của mỗi người đối với gia đình của đối phương. Cả anh và người yêu đều là con cả trong gia đình, chính vì vậy mà anh, sau này trong vai trò một người con rể trưởng trong gia đình sẽ có trách nhiệm chăm lo cho gia đình vợ, còn người yêu anh chắc chắn cũng sẽ có trách nhiệm của người con dâu trưởng, chu toàn việc hương khói, lễ lạt hay ma chay, ngày giỗ. Tất nhiên là cả anh và chị sẽ cùng phụ giúp cho nhau chứ trách nhiệm không thuộc về mình ai cả!”

Có thể thấy rằng, người trẻ ngày nay đang dần thay đổi những định kiến giới, những khuôn mẫu về trách nhiệm của người nam và người nữ trong gia đình, trong các mối quan hệ xã hội hay cả trong mối quan hệ tình cảm. Chính vì vậy, việc “phân vai” trong cặp đôi không còn quá quan trọng trong cả mối quan hệ đồng tính hay dị tính. Có thể người này mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, nhưng không có nghĩa là người đó có quyền được “trên cơ” đối với người yêu. Các cặp đôi trẻ ngày nay nói chung hay các cặp đôi nữ yêu nói riêng, hầu hết đều sống chung bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta có thể khác nhau về bản dạng giới hay xu hướng tính dục, nhưng có lẽ điểm giống nhau duy nhất chính là tình yêu, mà tình yêu thì không nên bị xiềng xích bởi bất cứ định kiến hay khuôn mẫu nào.

CHUNG MỘT NHÀ, chuỗi bài viết truyền thông về cuộc sống chung giữa người Nữ yêu nữ. 

QUEER LÁ CẢI, trang tin cầu vồng cho mọi nhà ❤️

One thought

Leave a Reply to hung Cancel reply